Thị trường hồi phục, BID lọt Top 3 vốn hóa trên 10 tỷ USD

Thị trường chứng khoán đang chứng kiến nhịp hồi nhanh và mạnh nhất kể từ đầu năm nay, giúp chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 1.200 điểm đầy thuyết phục. Hầu hết các cổ phiếu đều phục hồi đáng kể so với cuối năm 2022. Danh sách doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD theo đó cũng ghi nhận số lượng lớn hơn.

Chú thích ảnh
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.222,9 điểm. Ảnh minh họa: TTXVN

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.222,9 điểm, tăng 9,17% so với tháng 6/2023 và tăng 21,43% so với cuối năm 2022; VNAllshare đạt 1.206,52 điểm, tăng 10,07% so với tháng 6/2023 và tăng 24,30% so với cuối năm 2022; VN30 đạt 1.230,81 điểm, tăng 9,59% so với tháng 6/2023 và tăng 22,45% so với cuối năm 2022.

Trong tháng 7, các chỉ số ngành ghi nhận sự tăng trưởng; trong đó một số ngành tăng điểm cao nhất trong tháng gồm: ngành hàng tiêu dùng (VNCOND) tăng 16,28%; công nghệ thông tin (VNIT) tăng 14,91%; bất động sản (VNREAL) tăng 14,45%... so với tháng 6/2023.

Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 7 ghi nhận khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt hơn 875,52 triệu cổ phiếu và 18.269 tỷ đồng, tương ứng giảm 0,23% về khối lượng bình quân và tăng 8,17% về giá trị bình quân so với tháng 6/2023.

Thanh khoản của sản phẩn chứng quyền có bảo đảm (CW) cũng ghi nhận sự tăng trưởng với khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 28,92 triệu CW, tương ứng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt hơn 35,8 tỷ đồng, tăng 48,56% về khối lượng bình quân và tăng 43,58% về giá trị giao dịch bình quân so với tháng 6/2023.

Tính đến ngày 31/7, trên HOSE có 545 mã chứng khoán niêm yết; trong đó có 393 mã cổ phiếu, 3 mã chứng chỉ quỹ đóng, 13 mã chứng chỉ quỹ ETF và 136 mã chứng quyền có bảo đảm. Tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 143,36 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa đạt hơn 4,87 triệu tỷ đồng, tăng 9,11% so với tháng trước, chiếm hơn 94,24% tổng giá trị vốn hóa niêm yết toàn thị trường và tương đương 51,23% GDP năm 2022 (GDP theo giá hiện hành).

Đáng chú ý, đến cuối tháng 7/2023, trên HOSE có 43 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD; trong đó 3 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (mã: VCB), Công ty cổ phần Vinhomes (mã: VHM) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã: BID).

Số lượng này nhiều hơn đáng kể so với thời điểm cuối năm 2022, khi trên HOSE chỉ có 37 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD; trong đó có một doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.

Riêng BID đã có sự hồi phục đáng kể so với Top vốn hóa lớn nhất sàn HOSE. Nếu như cuối năm 2022 và trước đó, BID chỉ đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng danh sách doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, xếp sau là VCB, VIC, VHM và GAS thì đến cuối 7/2023, BID đã vươn lên vị trí thứ 3, chỉ sau VCB và VHM. Thậm chí có nhiều phiên giao dịch trước đó, giá trị vốn hóa của BID chỉ đứng sau VCB. Điều này khiến trật tự trên bảng xếp hạng những doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất sàn HOSE bị xáo trộn.

Hiện cổ phiếu BID đang giao dịch quanh mức 49.000 đồng/cổ phiếu, với giá trị vốn hóa khoảng 247.360 tỷ đồng. Đây cũng là mức thị giá cao nhất của cổ phiếu này trong vòng 1 năm qua.

H.Chung (TTXVN)
Phiên 2/8, động thái từ Fitch hỗ trợ giá vàng châu Á 
Phiên 2/8, động thái từ Fitch hỗ trợ giá vàng châu Á 

Giá vàng châu Á tăng trong phiên 2/8 trong bối cảnh đồng USD, lợi suất trái phiếu và chứng khoán châu Á sụt giảm sau khi hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch hạ bậc xếp hạng của Mỹ, làm suy giảm niềm tin của thị trường vào nền kinh tế này và thúc đẩy sự quan tâm đối với tài sản an toàn như vàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN