Sản lượng xi măng Việt Nam đang đứng thứ 8 trên thế giới và nếu phát triển theo đúng lộ trình đã quy hoạch thì vị trí thứ 5 sẽ trong tầm tay vào khoảng năm 2020. Sự phát triển cơ sở hạ tầng trong nước được xem là một trong những yếu tố đem lại thuận lợi cho ngành xi măng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sản lượng xi măng cung vẫn đang vượt cầu ở thị trường nội địa.
Đánh giá bức tranh chung của thị trường, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) - đơn vị đang chiếm tới trên 36% tổng nguồn cung toàn thị trường nhận định, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của năm 2017 khá thuận lợi. Tổng sản phẩm GDP tăng 6,81%, là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2011 đến nay và tăng vượt mục tiêu đề ra là 6,7%; trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8% và vốn đầu tư toàn xã hội cũng đạt trên 1.667,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2016 và bằng 33,3% GDP.
Thế nhưng, các loại vật liệu xây dựng khác lại có xu hướng tăng như giá cát xây dựng tăng mạnh đã ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đầu tư do phải điều chỉnh tổng mức đầu tư và dự toán gói thầu. Điều này cũng làm giảm lượng tiêu thụ xi măng cũng như các loại vật liệu xây dựng khác.
Đáng chú ý, chi phí năng lượng cũng có xu hướng tăng khiến khó khăn chồng khó khăn đối với sản xuất xi măng. Giá than - một trong những nhiên liệu đầu vào thiết yếu cho sản xuất xi măng năm 2017 đã tăng gần 10% so với năm 2016. Cùng đó, giá điện cũng tăng thêm 6,08% kể từ 1/12/2017, tác động mạnh đến chi phí năng lượng trong giá thành sản phẩm xi măng và clinker.
Bên cạnh đó, thời tiết năm qua không thuận lợi cho tiêu thụ xi măng. Mưa bão nhiều, lũ lụt lớn đặc biệt tại khu vực miền Trung đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ xi măng trong nước nói chung và của Vicem nói riêng.
Vận chuyển xi măng tiêu thụ tại Cảng Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Đây cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung xi măng trong cả nước tiếp tục tăng mạnh, nhưng nhu cầu tiêu dùng xi măng trong nước lại tăng trưởng thấp so với năm 2016 khoảng 1%. Bên cạnh đó là hàng loạt yếu tố khách quan khác cũng tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng.
Tổng giám đốc Vicem Bùi Hồng Minh khẳng định, ngành xi măng sẽ tiếp tục phải đối mặt với cung vượt cầu khoảng 25 - 30%. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu xi măng vẫn gặp nhiều khó khăn do xi măng thế giới dư thừa.
Thị trường lợi thế xuất khẩu của Việt Nam như Philippines bị sụt giảm do bất ổn chính trị hay như việc các doanh nghiệp xi măng bị áp dụng hàng rào kiểm soát chất lượng. Sự gia tăng xuất khẩu của Trung Quốc vào Quý II và III/2017 cùng với hàng rào thuế xuất khẩu sản phẩm xi măng, clinker cũng đẩy sự cạnh tranh trong nước lên cao hơn, khốc liệt hơn - ông Minh phân tích.
Ngoài ra cũng cần phải kể đến việc tỷ giá EUR/VNĐ trong những tháng cuối năm đã tăng mạnh so với đầu năm với mức tăng khoảng 12,6% cũng ảnh hưởng tới việc trả nợ và kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, năm 2018 kinh tế Việt Nam vẫn có xu hướng chuyển biến tích cực với triển vọng ổn định. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, lạm phát tiếp tục ở mức thấp, GDP năm 2018 dự kiến tăng khoảng 6,5 - 6,7%.
Bám sát các tiêu chí này, Vicem cũng xác định, tiêu thụ xi măng nội địa có thể tăng từ 3 - 5% so với năm 2017. Cho dù vậy, sản lượng cung dư vẫn phải tính đến con đường tiếp tục xuất khẩu. Hiện Việt Nam đang xuất khẩu clinker và xi măng đến 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, lượng xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á chiếm 29,71%, các nước khác (trừ EU – ASEAN) chiếm 70,29% tổng lượng xuất khẩu.
Một tin vui được các doanh nghiệp xi măng mong đợi cũng đã đến sau gần 2 năm đi gõ cửa “kêu cứu” bởi câu chuyện tăng thuế gây khó cho hoạt động xuất khẩu. Theo đó, từ ngày 1/2/2018, thuế xuất khẩu xi măng sẽ được áp dụng mức thuế 0%. Các doanh nghiệp xi măng trong nước đã trút bỏ được một gánh nặng.