Khách hàng giao dịch tại VietinBank chi nhánh Lạng Sơn. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Tại Việt Nam, cho thuê tài chính vẫn là một thị trường khá nhỏ. Trong khi các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như quỹ bảo lãnh tín dụng, các chương trình kết nối ngân hàng đều khó đem lại kết quả, nên loại hình tín dụng thuê mua được xem như giải pháp hữu hiệu cho bài toán nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay.
Doanh nghiệp chưa “mặn mà” Thuê tài chính là loại hình tín dụng trung, dài hạn dùng cho doanh nghiệp thuê tài sản cố định như máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, phương tiện vận chuyển… Tại Việt Nam, thuê tài chính và công ty cho thuê tài chính ra đời và phát triển đã khá lâu, khoảng gần 20 năm nhưng theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, mới có 11 công ty cho thuê tài chính, đa phần đều có vốn điều lệ rất nhỏ, vốn huy động cũng không lớn. Việt Nam vẫn là một thị trường nhỏ, với dư nợ chỉ ở mức 8.700 tỷ đồng (chiếm 0,16% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng). Con số này còn quá nhỏ bé so với tổng doanh số thuê tài chính toàn cầu lên tới 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Kết quả một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với 1.000 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau cho thấy, có đến hơn 70% doanh nghiệp biết rất ít và chưa bao giờ tìm hiểu về tín dụng cho thuê tài chính, 20% doanh nghiệp hoàn toàn không biết về dịch vụ tài chính này. Như vậy, số công ty cho thuê tài chính thì ít, người muốn thuê thì không biết nên hình thức tín dụng này còn khá mơ hồ với các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, tại Mỹ, 80% doanh nghiệp đều thuê một phần máy móc thiết bị trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hay tại Nhật Bản, có đến trên 97% doanh nghiệp sử dụng thuê tài chính, doanh số cho thuê tài chính hàng năm vào khoảng 50 tỷ USD. Do đó, dư địa để cho thuê tài chính phát triển tại Việt Nam còn nhiều, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 95% tổng số doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam sẽ là thị trường tiềm năng cho dịch vụ cho thuê tài chính, kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, tạo nhu cầu lớn về máy móc thiết bị và phương tiện vận tải phục vụ đầu tư, sản xuất. Thuê tài chính sẽ là một giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cảm tiếp cận vốn, nhất là nguồn vốn trung dài hạn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu tài sản đảm bảo cho việc vay tín dụng ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc triển khai mô hình cho thuê tài chính sẽ tạo thêm kênh huy động vốn cho doanh nghiệp trong nước. Với hình thức này, doanh nghiệp chủ động lựa chọn máy móc thiết bị, nhà cung cấp, mẫu mã, chủng loại phù hợp với quy mô. Trong trường hợp doanh nghiệp thiếu vốn lưu động vẫn có thể bán lại tài sản cho công ty cho thuê tài chính và sau đó thuê lại, vừa đảm bảo có vốn mà vẫn sử dụng được tài sản với chi phí thấp nhất.
Thuê tài chính đồng hành cùng doanh nghiệp Theo luật sư Phạm Ngọc Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Hưng (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), phần lớn công ty cho thuê tài chính ở Việt Nam là những đơn vị gắn với các ngân hàng. Sản phẩm cho thuê tài chính không hấp dẫn so với các phân khúc khác bởi vốn phải bỏ ra lớn, cần nhiều nhân lực quản lý nhưng nguồn tiền thu về nhỏ, rủi ro cao, lỡ doanh nghiệp phá sản hoặc ngưng hoạt động thì việc xử lý tài sản đang thời kỳ cho thuê cũng tương đối rắc rối… nên các ngân hàng thường không phát triển nhanh loại hình tín dụng này.
Ngoài ra, ông Hưng cho rằng, do xuất thân từ ngân hàng nên cách làm của các công ty cho thuê tài chính vẫn còn tư tưởng "xin-cho", vẫn còn có những vấn đề khó khăn cho các doanh nghiệp, không cần tài sản thế chấp nhưng một số nơi công ty cho thuê tài chính yêu cầu doanh nghiệp báo cáo kết quả hiệu quả hoạt động 3 năm thì những doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó đủ điều kiện được cho thuê.
Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất cho thuê tài chính là lãi suất thỏa thuận, chi phí cao hơn vay ngân hàng vì mức độ rủi ro cao, nhưng lợi tức đem lại cho công ty tài chính rất cao. Tuy nhiên, các công ty cho thuê tài chính chưa nhìn thấy được lợi ích mà chỉ lo nợ xấu vì bản thân là vốn của ngân hàng. Do đó, nếu điều kiện thành lập các công ty cho thuê tài chính được mở rộng và dễ dàng hơn sẽ có nhiều người đầu tư vào kênh tín dụng này, cùng với đó là hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ và an toàn cho cả bên thuê và bên cho thuê…
Lâu nay khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa là thiếu tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng, thuê mua tài chính là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết bài toán khó khăn này. Nhờ hình thức này doanh nghiệp không cần tài sản thế chấp, thứ nhất là sau một thời gian thuê được quyền ưu tiên mua lại với giá danh nghĩa thấp hơn, thứ hai thông qua thuê và trả tiền như vậy doanh nghiệp sẽ được giảm tiền thuế phải nộp do phần thuê được tính vào khấu hao…
Nhưng theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, thành viên nhóm tư vấn đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, hầu hết các doanh nghiệp chưa thấy được lợi ích này, bởi thuê tài sản là không tốn một lượng vốn đầu tư ban đầu nhưng chi phí trả cho thuê tài sản thường cao hơn so với việc chi tiền ra mua tài sản.
Do đó, cần xem xét tính khả thi của phương án kinh doanh trong việc tạo ra nguồn thu nhằm đảm bảo dòng tiền trả chi phí thuê tài sản. Đây lại là điểm yếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do vậy, các công ty cho thuê tài chính cần phổ biến lợi ích, đồng hành, tư vấn giúp doanh nghiệp mạnh dạn sử dụng loại hình tín dụng này để giải quyết bài toán nguồn vốn.
Cũng theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, để thuê tài chính sử dụng phổ biến ở Việt Nam, cơ chế, chính sách cần thiết lập theo hướng đảm bảo an toàn cho bên thuê và bên cho thuê. Cùng với đó cần cho phép các liên doanh giữa tổ chức tín dụng trong nước với các tổ chức cho thuê tài chính hoạt động chuyên nghiệp ở nước ngoài. Qua đó giúp các tổ chức cho thuê tài chính trong nước học tập, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động.