Giải bài toán vốn vay cho doanh nghiệp - Bài cuối:

Nới điều kiện tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, tăng trưởng tín dụng tính đến 24/12 đạt 9,5% và tính đến cuối năm có thể đạt 10%. Mặc dù không đạt mục tiêu 12% như đã đề ra nhưng theo Thống đốc, chất lượng tín dụng ngày càng tăng và tín dụng đi vào sản xuất kinh doanh hiệu quả.


Tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi


Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên vay vốn lãi suất thấp, nếu xét về cơ cấu cho vay, mọi lĩnh vực đều được hưởng lãi suất thấp bằng giai đoạn 2005- 2006, thậm chí có ngân hàng hiện đã đưa ra mức lãi suất chỉ còn 6 - 7%/năm. Ngân hàng vẫn đang sẵn sàng cho các doanh nghiệp vay nhưng phải đảm bảo đúng các điều kiện, thủ tục vay để ngăn ngừa nợ xấu.

 

Doanh nghiệp giao dịch vay vốn tại OceanBank, Trung Hòa (Hà Nội).
Trần Việt- TTXVN


Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình với các gói tín dụng ưu đãi dành cho các khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Theo đó, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP Hồ Chí Minh đã triển khai gói tín dụng 1.500 tỷ đồng với lãi suất 0% trong tháng đầu tiên và cố định lãi suất 11,86% trong 11 tháng tiếp theo cho các khoản vay từ 500 triệu đồng trở lên hoặc cố định 12,86%/năm trong 11 tháng tiếp theo đối với khoản vay từ 200 triệu đồng. Tương tự, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa triển khai gói tín dụng siêu ưu đãi 700 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh nhân mùa lễ hội cuối năm.


Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, thông qua chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, 10 NHTM đã tham gia, ký kết cho 34 doanh nghiệp vay tổng số tiền đạt 288,5 tỷ đồng để tạo điều kiện DN có cơ hội tiếp cận và tiếp nhận vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất hợp lý, ưu đãi để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Đây cũng là định hướng điều hành của NHNN năm 2014.


Gói 30.000 tỷ đồng được triển khai từ ngày 1/6/2013 với lãi suất cho vay cao nhất không quá 6% một năm, thời hạn cho vay tối đa là 10 năm đối với cá nhân và 5% đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên đến nay, gói 30.000 tỷ đồng mới giải ngân chưa đến 2% hạn mức do vướng nhiều khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn người mua nhà cũng như thị trường bất động sản, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: Nếu doanh nghiệp được vay vốn giá rẻ, nguồn cung nhà ở xã hội mới có thể tăng lên. Do đó, với gói kích thích mua nhà xã hội, lãnh đạo BIDV đã đề nghị Thủ tướng xem xét giảm lãi suất chỉ còn 4 - 5% một năm và kéo dài trong 2 năm.


Cân nhắc nới lỏng điều kiện cho vay


Để kích thích tăng trưởng tín dụng, lãnh đạo BIDV cho rằng: NHNN nên nới lỏng điều kiện cho vay đối với các doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp có nợ xấu, khi cho vay mới mà điều kiện họ tốt thì có thể xem xét không chuyển nhóm nợ.


Theo lộ trình của NHNN, từ ngày 1/6/2014, các ngân hàng sẽ phải phân loại nợ xấu theo những chuẩn mực mới tại Thông tư 02 với hàng loạt các quy định chặt chẽ hơn. Với quy định mới được kỳ vọng là tiệm cận với quốc tế này, nhiều khoản tín dụng của doanh nghiệp, cá nhân sẽ bị liệt vào các nhóm nợ xấu hơn trước đây. Khả năng tiếp cận vốn mới của khách hàng sẽ càng khó khăn.


Vì vậy, đại diện các ngân hàng đều khẩn thiết xin lùi thời điểm triển khai Thông tư 02. "Thông tư 02 Thống đốc NHNN đã cho hoãn tới 1/6/2014. Song trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, sức khỏe của ngành ngân hàng cũng như nền kinh tế và các doanh nghiệp vẫn rất yếu, nếu áp dụng từ giữa năm sau sẽ gây khó khăn hơn cho ngân hàng và doanh nghiệp. Tôi mạnh dạn đề nghị với Thủ tướng và Thống đốc suy nghĩ chọn thời điểm áp dụng cho phù hợp hơn", Tổng Giám đốc Ngân hàng MB Lê Công nói. Chung quan điểm, Chủ tịch Ngân hàng Công Thương Phạm Huy Hùng đề xuất lùi tới năm 2015, vì theo ông "nợ xấu bày ra hết lúc này cũng không xử lý được".


Tuy nhiên ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội lại cho rằng: Không nên lùi thêm nữa thời hạn thực hiện quy định này. "Trì hoãn thì sẽ lại tạo thêm khó khăn cho những năm sau mà thôi. Nếu không làm thì chính ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong một, hai năm tới", ông Kiên nhấn mạnh.


Trước vấn đề này, đại diện NHNN cho biết, NHNN cũng đang tính đến phương án cho phép phân nợ xấu thành 3 nhóm để dễ xử lý. Cụ thể: Nhóm khách hàng đã giải thể, phá sản thì buộc phải dùng nguồn dự phòng để xóa nợ. Nhưng với nhóm đang hoạt động mà có khó khăn có thể tìm biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi. Nhóm thứ 3 là các khách hàng đã phá sản nhưng có tài sản bảo đảm thì thực hiện phát mại. Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, nếu ngân hàng giải pháp thích hợp điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ nếu doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh tốt thì họ sẽ có điều kiện trả nợ tốt hơn ở các kỳ sau.


Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, chất lượng tín dụng đã được cải thiện thông qua tương quan giữa chỉ số tăng trưởng tín dụng và chỉ số tăng trưởng GDP. Những năm trước dây, để có 1% tăng trửong GDP thì tăng trưởng tín dụng phải là 5- 6%. Nhưng năm nay, tín dụng tăng rất sát với GDP, GDP tăng 5,4% thì tín dụng tăng trên 10%. Điều này phần nào chứng tỏ chất lượng tín dụng đi vào sản xuất kinh doanh.


M.Phương - H.Yên - H.Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN