Tìm đích đến của dòng tiền - Bài 2: Triển vọng đưa thị trường lên tầm cao mới

Nếu như vàng được cho là sẽ bớt hấp dẫn khi sản xuất dần hồi phục, nhu cầu nguồn vốn lưu thông cao hơn so với việc giữ vàng trong "hầm trú ẩn an toàn"; bất động sản thực sự có sức hút nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là với các nhà đầu tư "tay ngang"... Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán trở thành một trong những kênh đầu tư nhiều triển vọng nhất trong xu hướng đầu tư của năm nay.

Thực tế, với đà tăng kéo dài suốt từ đầu tháng 4/2020 đã đẩy chỉ số, cùng với thanh khoản liên tục lập đỉnh lịch sử, nhiều phiên đạt tới tỷ USD, giới quản lý và chuyên gia cho rằng, nếu biết nắm bắt thuận lợi và thời cơ, 2021 sẽ là năm tạo ra bước tiến quan trọng đưa thị trường chứng khoán lên tầm cao mới.

Chú thích ảnh
Giao dịch chứng khoán tại Sàn Maybank KimEng (TP Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN

Tăng trưởng nhờ nội lực

Thực tế cho thấy, động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu đến từ dòng tiền nội. Theo ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số nhà đầu tư mới, đặc biệt là các nhà đầu tư trong nước tham gia thị trường tăng kỷ lục khiến năm 2020 trở thành năm của dòng vốn nội.

Nếu năm 2015, tổng số tài khoản của nhà đầu tư là 1,56 triệu tài khoản, thì đến năm 2019 đạt 2,37 triệu tài khoản, tăng 810 nghìn tài khoản so với năm 2015.  Tuy nhiên đến cuối năm 2020, tổng số tài khoản của nhà đầu tư trong và ngoài nước đã lên đến 2,77 triệu tài khoản, tăng gần 400 nghìn tài khoản so với năm 2019. Như vậy, chỉ trong năm 2020, số lượng tài khoản mở mới đã gần bằng một nửa tổng số lượng tài khoản mở mới của cả giai đoạn 2015-2019.

Trong số 400 nghìn tài khoản mở mới trong năm 2020, chỉ có khoảng 2.856 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy sự gia tăng các nhà đầu tư mới - đặc biệt là các nhà đầu tư trong nước đã góp phần quan trọng giúp thị trường chứng khoán Viêt Nam khôi phục nhanh và mạnh bằng chính nội lực của mình trong bối cảnh khối ngoại bán ròng liên tục do tác động của dịch COVID- 19.

Chưa dừng lại ở đó, sang năm 2021, số tài khoản cá nhân mở mới của nhà đầu tư trong nước liên tục phá kỷ lục đã giúp VN-Index liên tiếp lập các mốc lịch sử. Tính đến cuối tháng 3/2021, số lượng tài khoản do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tăng vọt lên mức 113.191 tài khoản, cao nhất trong lịch sử giao dịch. Số tài khoản do nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở mới trong tháng 3 cũng xác lập kỷ lục với 502 tài khoản, mức cao nhất kể từ tháng 5/2018.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện đã chiếm tới 90 - 95% trong giao dịch hàng ngày. Thanh khoản thị trường tăng vọt, trung bình mỗi phiên gần đây thanh khoản đã lên tới cả tỷ USD.

Thị trường có thanh khoản cao sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút dòng tiền vào kênh chứng khoán. Trong khi đó, những kênh đối trọng với kênh chứng khoán đang tỏ ra kém hấp dẫn hơn, như kênh tiết kiệm lãi suất rất thấp, kênh bất động sản rủi ro còn rất lớn nên kênh chứng khoán vẫn “nổi” hơn rất nhiều so với các kênh đầu tư khác.

Dù vậy, vị chuyên gia này nhận định, nhiều nhà đầu tư mới chưa có kiến thức đầu tư, đầu tư theo trào lưu. Đa phần các nhà đầu tư mới chọn kênh chứng khoán vì họ có nguồn tiền nhàn rỗi lớn và không biết lựa chọn kênh đầu tư nào khác. Trong khi kênh đầu tư chứng khoán có thanh khoản cao nên rất hấp dẫn các nhà đầu tư này.

Điều này có thể gây ra những rủi ro nhất định cho thị trường vì tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ thường rất yếu. Khi thị trường có cú đảo chiều, có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư đua nhau bán ra cổ phiếu khiến thị trường có những cú “sập” mạnh.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, để có thể vừa chủ động nắm bắt cơ hội, tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán vừa phòng ngừa rủi ro, hướng tới phát triển bền vững cần chú trọng phổ cập kiến thức tài chính, nâng cao tính chuyên nghiệp nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò của đại lý đầu tư, tư vấn chuyên nghiệp, các quỹ mở, các quỹ hoán đổi doanh mục (ETFs) cổ phiếu và trái phiếu được vận hành bởi các quỹ đầu tư uy tín để đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư ban đầu, đầu tư của nhà đầu tư cá nhân.

Tiền vẫn chảy vào chứng khoán

Chủ tịch VSD Nguyễn Sơn nhận định, nếu biết nắm bắt thuận lợi và thời cơ, 2021 sẽ là năm tạo ra bước tiến quan trọng đưa thị trường lên tầm cao mới, với các nấc thang giá trị mới và khẳng định được vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo dự báo bên cạnh tác động tiêu cực của dịch bệnh, việc tìm ra vaccine hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 thì xu hướng dịch chuyển dòng vốn quốc tế từ kênh tín dụng ngân hàng - có lợi suất thấp sẽ dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán và các tài sản có giá trị bao gồm vàng, bất động sản. Cùng đó chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nới lỏng thông qua cắt giảm lãi suất cũng như các gói hỗ trợ tài chính lớn của hầu hết các nước trên thế giới trong năm 2020 dự kiến kéo dài trong năm 2021 đã, đang và sẽ được xem là những nhân tố tích cực hỗ trợ sự phát triển của thị trường chứng khoán thế giới nói chung; trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nền tảng kinh tế, tài chính ổn định tạo lợi thế thu hút đầu tư vượt trội cho thị trường chứng khoán Việt Nam so với các thị trường mới nổi toàn cầu. Việt Nam là thị trường cận biên năng động nhất thế giới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng cổ phiếu lớn nhất trong rổ chỉ số các thị trường cận biên (MSCI Frontier Markets Index đạt 30,64% vào cuối năm 2020) và dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ MSCI Frontier Markets 100 Index vào tháng 11/2021, đạt 28,78% sau 5 giai đoạn  và kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi theo FTSE Russel năm 2023.

Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuantan Nguyễn Thế Minh nhận định, dù lãi suất tiết kiệm sẽ tăng lại từ quý II/2021, tuy nhiên mức tăng có lẽ chưa cao. Với thị trường bất động sản, tính chất đầu cơ, chộp giật vẫn diễn ra có thể cản trở nhà đầu tư và sớm nhất phải đến cuối quý III/2021, thanh khoản ở kênh bất động sản mới ổn định trở lại.

Đối với kênh trái phiếu, có thể thấy từ đầu năm cho đến nay, rất ít các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Nguyên nhân một phần do Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước siết chặt việc các tổ chức phát hành trái phiếu cho ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Có thể vì thế năm nay kênh trái phiếu vẫn chưa phải là kênh hút tiền đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ.

“Rõ ràng, 3 kênh đối trọng lớn với kênh cổ phiếu vẫn chưa tạo được sức hút nên tiền sẽ vẫn chảy vào kênh chứng khoán. Có thể có những lúc dòng tiền sẽ bị rút ra đôi chút, nhưng sau đó sẽ lại quay lại nhanh chóng”, ông Minh nhận định.

Bài 3: Từ những lựa chọn thay thế đến các xu hướng dài hạn

Văn Giáp (TTXVN)
Tìm đích đến của dòng tiền - Bài 1: 'Bùng nổ' kênh đầu tư
Tìm đích đến của dòng tiền - Bài 1: 'Bùng nổ' kênh đầu tư

Mặc dù kinh tế Việt Nam năm 2021 được dự báo sẽ có nhiều triển vọng tươi sáng hơn, tuy nhiên do kinh tế toàn cầu trong năm 2020 đã bị dịch COVID-19 tàn phá nặng nề, nhiều ngành hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến việc lựa chọn các kênh đầu tư trong năm nay trở nên rất khó khăn với các nhà đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN