Đó là thông tin được ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Tại cuộc họp về Tập trung tháo gỡ khó khăn trong việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra tác động đến ngành công thương vào chiều 7/2, tại Hà Nội.
Theo ông Trần Hữu Linh, trước những diễn biến dịch diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường khiến người dân đổ xô đi mua và tích trữ khẩu trang y tế dẫn tới việc khan hiếm hàng hoá cũng như giá thành bị đẩy lên cao.
Chính vì vậy, Tổng cục Quản lý thị trường đã tích cực ra quân kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tích trữ hàng hoá, tăng giá bất hợp lý.
Sau một tuần kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường đã xử phạt 3.000 vụ việc, yêu cầu các nhà thuốc ký cam kết với quản lý thị trường, gắn tuyên truyền vận động với kiểm tra xử phạt.
Hầu hết các hành vi vi phạm chủ yếu là găm hàng với khung hình phạt cao nhất; hành vi không niêm yết giá tại cửa hàng; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác.
Ông Trần Hữu Linh cũng cảnh báo thêm rằng: Trên thị trường đang có tình trạng một số đối tượng lợi dụng tình hình này để thu gom dụng cụ y tế kém chất lượng, như khẩu trang y tế dùng một lần được thu gom và bán lại. Nước rửa tay sau khi các gia đình dùng hết, nhiều nơi đã sử dụng lại chai lọ và bơm các loại nước tự chế vào để bán kiếm lời.
Liên quan đến tình hình sản xuất khẩu trang, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Cục Công nghiệp đang phối hợp với Bộ Y tế sản xuất mặt hàng khẩu trang, xác nhận nhu cầu khẩu trang.
Dự báo cần phải đáp ứng 10 triệu khẩu trang/ngày nhưng chi phí sản xuất cao do giá thành nguyên liệu đầu vào cao nên việc sản xuất khẩu trang y tế gặp khó khăn.
Mặc dù, nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải có năng lực sản xuất, cung ứng lượng sản phẩm lên tới 15 triệu sản phẩm/ngày nhưng vướng mắc lớn nhất là Bộ Y tế chưa đưa ra quy cách, quy chuẩn về khẩu trang vải đáp ứng đủ yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh để doanh nghiệp dệt may sản xuất.
Do đó, ông Trương Thanh Hoài đề xuất lãnh đạo Bộ Công Thương nên đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành quy cách, quy chuẩn sản xuất khẩu trang.
Nhận định về vấn đề này, ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: Bộ Công Thương đã gửi văn bản liên hệ các nhà sản xuất khẩu trang y tế tăng cường sản xuất, chỉ đạo hệ thống thương vụ tìm nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang và hiện đã gửi thông tin tới 50 nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế trên thế giới để tăng cung ứng. Danh mục miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khẩu trang cũng đang được xây dựng và sớm được ban hành.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An còn yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải, đặc biệt là khẩu trang kháng khuẩn tăng cường tổ chức sản xuất, tiến hành hợp chuẩn hợp quy.
Bên cạnh đó, kết hợp nhà sản xuất với doanh nghiệp phân phối đưa hàng vào các siêu thị VinMart, Saigon Co.op, Aeon nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng và góp phần ổn định thị trường.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định: Nếu sản phẩm bị làm giả, tái sử dụng, vi phạm nguyên tắc an toàn có thể gây nên những nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Chính vì thế, các đơn vị liên quan cần làm việc với Bộ Y tế để có cơ chế tiêu hủy với khẩu trang đã qua sử dụng, quản lý chặt chẽ thị trường, đấu tranh mạnh mẽ việc găm hàng, trục lợi, đầu cơ và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm, gắn với phối hợp với chính quyền địa phương.
Bộ Công Thương sẽ sớm thành lập Tổ công tác kiểm tra, kiểm soát chấp hành quy định chung về đấu tranh chống đầu cơ găm hàng, tăng giá vật phẩm y tế, đặc biệt ở địa bàn có nguy cơ cao.