Tối 11/3, chúng tôi theo chân đoàn kiểm tra liên ngành của Ban công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình giết mổ TP Hồ Chí Minh đến 4 địa điểm giết mổ lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi), Tân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền. Tại các điểm này, đoàn kiểm tra tiến hành giám sát, kiểm tra chặt chẽ quy trình giết mổ cũng như vận chuyển thịt lợn đến các chợ đầu mối.
Đúng 0 giờ ngày 12/3, các thợ mổ lợn ở cơ sở giết mổ Xuyên Á bắt đầu vào ca làm việc thay vì tầm 11 giờ đêm như thường lệ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này chỉ nhập về khoảng 900 con lợn để giết mổ trong đêm, trong khi đó, công suất giết mổ ngày thường là 1.500 con. Tương tự, tại cơ sở giết mổ Xuân Thới Thượng, số lượng lợn giết mổ cũng giảm xuống còn 1.200 – 1.300 con so với tổng công suất thường ngày là 1.500 con.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện nguồn lợn nhập về TP Hồ Chí Minh chủ yếu từ Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Phước, Bình Thuận, Bến Tre... Từ ngày 25/2, TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố không tiếp nhận nguồn lợn từ phía Bắc đưa vào. Tất cả lợn nhập về cơ sở giết mổ phải có giấy chứng nhận kiểm dịch và phương tiện vận chuyển lợn phải có niêm phong của Chi cục thú y liên tỉnh.
“Trong quá trình giết mổ, các cán bộ thú y phải có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ thân thịt, kiểm tra đầu lòng, các hạch mạch huyết để phát hiệu các dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm hoặc các vết bầm, vết xuất huyết trong quá trình vận chuyển. Với quy trình kiểm soát như vậy có thể loại trừ được các trường hợp lợn mắc bệnh, thương tổn để tách ra xử lý riêng. Sau khi kiểm tra xong, các thân thịt nào đạt yêu cầu sẽ được cán bộ thú y đóng dấu kiểm soát giết mổ và đưa thịt lợn lên xe lạnh, niêm phong trước khi vận chuyển về chợ đầu mối”, ông Phát cho biết thêm.
Sau khi kiểm tại các lò mổ Xuyên Á, Tân Thới Thượng, các cán bộ kiểm tra liên ngành bắt đầu đi về các chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền để kiểm tra việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn. Đây là hai chợ đầu mối tiêu thụ thịt lợn lớn nhất TP Hồ Chí Minh bởi tất cả thịt lợn sau khi ở lò mổ sẽ được đưa về hai chợ này tiêu thụ. Từ đây, những con lợn được đóng dấu kiểm dịch thú y sẽ được phân loại và theo chân các tiểu thương đi về các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Về mặt an toàn thực phẩm, có thể khẳng định dịch tả lợn châu Phi không lây lan qua người. Tuy nhiên, trước thực trạng dịch tả lợn châu Phi đang lây lan mạnh tại các tỉnh phía Bắc, tình trạng có thể xảy ra là lợn từ phía Bắc di chuyển vào các tỉnh phía Nam và đưa ngược trở lại TP Hồ Chí Minh. Vì thế, nguy cơ về lây nhiễm bệnh, đặc biệt bệnh cho đàn lợn còn sống là rất lớn. Vì vậy, hiện các cán bộ liên ngành đang kết hợp tăng cường công tác kiểm soát, kiểm tra từ các cửa ngõ vào thành phố, lò mổ đến các chợ đầu mối. Cụ thể, hiện nay TP Hồ Chí Minh cũng gia tăng các điểm chốt chặn tại các cửa ngõ vào thành phố để kiểm tra, xử lý các xe chở lợn vào thành phố".
Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức hiện nay được xem là trạm kiểm dịch quan trọng nhất để kiểm soát gia súc, gia cầm từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc nhập vào TP Hồ Chí Minh và "quá cảnh" đi các tỉnh miền Tây. Mỗi ngày, tại trạm có khoảng 50 xe tải chở lợn với số lượng hơn 3.500 con lợn sống từ Đồng Nai và các tỉnh "quá cảnh" đi các tỉnh miền Tây. Trong số đó, có từ 2.000 - 2.400 con lợn được vận chuyển vào các lò mổ ở TP Hồ Chí Minh, còn lại hơn 1.000 con lợn “quá cảnh” để đi các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang… Ngoài ra, mỗi ngày còn có hơn 100 xe tải đông lạnh chở lợn thành phẩm vào trung tâm TP Hồ Chí Minh đi qua trạm kiểm dịch này.
Ông Phạm Ngọc Chí, Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, cho biết để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, lực lượng thú y thường xuyên phối hợp với cảnh sát giao thông, quản lý thị trường tuần tra, kiểm soát các phương tiện chở động vật, sản phẩm động vật vào TP Hồ Chí Minh ở cửa ngõ phía Đông.
“Từ trước Tết đến nay, đơn vị chưa phát hiện lô lợn nào từ khu vực dịch bệnh hay lợn không rõ nguồn gốc nào nhập vào TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, mỗi khi nhận được tin báo có xe chở lợn né trạm, lực lượng liên ngành lập tức tổ chức chốt chặn để kiểm tra xử lý nhưng thường xuyên nhận tin giả”, ông Chí cho biết thêm.