LPR là một trong những lãi suất ưu đãi mà các ngân hàng thương mại dành cho những khách hàng lớn và được dùng làm tham chiếu cho các lãi suất cho vay khác. Việc Trung Quốc giảm LPR đúng với dự kiến của giới phân tích sau những số liệu kinh tế ảm đạm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vào tháng 10 vừa qua.
Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) đã giảm LPR kỳ hạn 1 năm từ 4,2% xuống còn 4,15% trong tháng 10 vừa qua . Trong khi đó, lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm giảm từ 4,85% xuống còn 4,8%.
Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng quý III vừa qua chỉ đạt 6%, mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ. Kinh tế nước này đang bị tác động tiêu cực bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhu cầu hàng hóa toàn cầu suy giảm và nỗ lực giảm nợ công của chính phủ.
Tháng 8 vừa qua, PBoC đã thông báo kế hoạch điều chỉnh lãi suất cho vay căn cứ sự thay đổi của thị trường. Việc cắt giảm LPR là một phần trong hàng loạt biện pháp nhằm giảm bớt chi phí cho vay, trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực tạo thêm nguồn tín dụng cho nhiều khu vực đang "khát vốn" của nền kinh tế.
Tuy nhiên, chuyên gia Julian Evans-Pritchard của Capital Economics nhận định việc cắt giảm LPR có tác động rất nhỏ đối với nền kinh tế vì không giúp hạ lãi suất đối với lượng lớn các khoản vay cũ vốn có mối liên hệ với lãi suất cho vay truyền thống của PBoC. Tuy nhiên, việc giảm LPR kỳ hạn 5 năm cho thấy triển vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng hạn chế mua bất động sản, vốn được áp đặt nhằm giảm bớt tình trạng thổi phồng giá.
Ngày 18/11 vừa qua, PBoC đã bất ngờ hạ lãi suất các hợp đồng mua lại kỳ hạn 7 ngày từ 2,55% xuống còn 2,5% nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng khoản vay đối với các công ty vừa và nhỏ.
Đây là lần đầu tiên PBoC có động thái cắt giảm như vậy trong hơn 4 năm qua, và cũng là dấu hiệu các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã sẵn sàng hành động để thúc đẩy đà tăng trưởng đang giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.