Mở cửa phiên giao dịch chiều ngày 18/8, nhà đầu tư liên tục đẩy hàng chốt lời. Trước áp lực bán mạnh, TTCK nhanh chóng giảm điểm, với hàng loạt những cổ phiếu có tên tuổi “nằm sàn”. Hầu hết cổ phiếu sàn nằm ở nhóm bất động sản và xây dựng, chứng khoán… như: VIC, DXS, GEX, NKG, VIC, TVS, BCG, NVL, LSS… Điều này càng khiến cho thị trường “lao dốc” không phanh với 265 mã “nằm sàn”.
Chốt phiên chiều 18/8, VN-Index giảm 55,49 điểm xuống còn gần 1.178 điểm; HNX-Index giảm hơn 14 điểm xuống còn gần 236 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 2.095 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị thanh khoản toàn thị trường hơn 42.141 tỷ đồng.
Trước đó trong phiên giao dịch sáng, VN-Index “cắm đầu” đi xuống và bốc hơi hơn 20 điểm, về sát mốc 1.210 điểm. Trên bảng điện tử, số mã giảm điểm gấp tới gần 10 lần số mã tăng, trong đó hầu hết các cổ phiếu trong nhóm VN30 cũng không thoát khỏi trạng thái mất điểm chung.
Đi đầu trong tốp 10 cổ phiếu giảm mạnh phiên chiều vẫn là VIC, với mức -6,95%, tương đương giảm 5.000 đồng, đưa mức giá giảm còn 66.900 đồng/cổ phiếu, với dư bán hơn 3,260 triệu cổ phiếu, không có dư mua.
Đứng thứ 2 là VHM, với mức -6,89%, tương đương giảm 4.200 đồng, đưa mức giá giảm còn 56.800 đồng/cổ phiếu, với dư bán hơn 129 ngàn cổ phiếu. Tiếp đến lần lượt là các mã BID, VPB, HPG, CTG, TCB, MSN…
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, phiên giao dịch chứng khoán chiều 18/8 sụt giảm khá mạnh là do hiện nay, bên cạnh áp lực chốt lời còn do lãi suất của VND quá thấp so với đồng USD nên giới đầu cơ đã bán tháo cổ phiếu để rút tiền về, đầu tư vào các kênh khác sinh lời hơn.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MBS, lãi suất VND giảm trong thời gian qua là yếu tố chính khiến VND mất giá so với USD. Hiện lãi suất cho vay qua đêm VND ở mức 0,2% trong khi đó lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng ở mức trên 5%. Đây là mức chênh lệch lớn và khó có khả năng thu hẹp trong tương lai gần, cộng thêm nhu cầu USD cũng thường gia tăng vào cuối năm theo yếu tố mùa vụ khiến cho tỷ giá USD/VND nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Kinh tế Việt Nam vẫn chưa hồi phục, nhiều doanh nghiệp khó khăn, “sống dở, chết dở” nên theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị ảnh hưởng. “Mặc dù từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất nỗ lực trong việc giảm lãi suất nhưng điều quan trọng là cầu tiêu dùng vẫn đang yếu, dẫn đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Với định hướng tín dụng năm 2023 tăng 14 - 15%, mức tăng trưởng hiện tại đang thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra của NHNN. So với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tín dụng hiện mới chỉ đạt khoảng 8,5% - mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua.
Vì vậy, TS Võ Trí Thành,Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định: “Giảm lãi suất cũng không phải liều thuốc vạn năng, mặc dù đây là liều thuốc rất quan trọng đối với sức khoẻ doanh nghiệp, mà cần kết hợp với nhiều chính sách khác như: Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người lao động, kích cầu du lịch, đầu tư công, giải quyết khó khăn cho xuất khẩu; tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn”.
Trong khi đó, theo một số chuyên gia tài chính, nền kinh tế trầm lắng sẽ đẩy giá chứng khoán lên vì chứng khoán được coi là “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Bởi kênh chứng khoán không những đóng vai trò huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế mà còn đánh giá giá trị doanh nghiệp và tình hình của nền kinh tế, tạo môi trường giúp Chính phủ thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô.
“Vừa rồi, chỉ số chứng khoán bùng lên cũng có yếu tố đầu cơ, do biến động của thị trường thứ cấp, mua đi bán lại, trong khi đó thị trường 1 khá ảm đạm. Trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường 1 là gồm những doanh nghiệp phát hành chứng khoán để huy động vốn; thị trường 2 là nơi cổ phiếu được mua đi bán lại. Trong hệ thống kinh tế, có 2 thị trường là hàng hóa và tiền tệ, được ví như là bánh xe ô tô phải chuyển đổi cùng nhanh. Hai thị trường như bánh xe của ô tô, chuyển động cùng nhau, cùng nhau hỗ trợ. Tại thời điểm này, thị trường hàng hóa cần phải thúc đẩy mạnh để kéo theo thị trường tiền tệ. Khi nền kinh tế phục hồi, chứng khoán mới có tăng bền vững”, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, “liều lượng” giảm lãi suất như thế nào vừa đủ để dòng vốn chảy vào sản xuất kinh doanh mới là quan trọng, nếu không sẽ gây ra những tác dụng phụ. Mặc dù có giảm lãi suất nhưng cũng có những doanh nghiệp không muốn vay vì đầu ra hàng hóa yếu, người dân thắt chặt chi tiêu. Điều quan trọng lúc này là phải “sưởi ấm” tổng cầu cả trong nước và nước ngoài.
TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, điểm nghẽn rất lớn trong chính sách tiền tệ hiện nay đó là dù lãi suất thấp nhưng doanh nghiệp không đủ điều kiện vay thì cũng không vay vốn được. Như vậy, dòng vốn cũng không chảy ra nền kinh tế. Vì thế, từ nay đến cuối năm, NHNN cần cân nhắc rất kỹ khi điều hành chính sách tiền tệ. Bởi, nếu NHNN tiếp tục giảm lãi suất cũng không hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng mà lại gây căng thẳng về tỷ giá. "Khi kê đơn thuốc thì liều lượng phải phù hợp, bởi uống thuốc quá liều sẽ bị tác dụng phụ. Tác dụng phụ của việc hạ lãi suất sẽ là lạm phát và tỷ giá có thể quay trở lại", TS Nguyễn Hữu Huân nói.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chính sách tài khóa cần được áp dụng mạnh mẽ hơn nữa vì chính sách tài khóa có dư địa còn khá lớn, nhất là lĩnh vực đầu tư công, bởi Việt Nam đang trong cảnh "có tiền mà không tiêu được".
“Theo tôi, cần phải giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) nhiều hơn nữa là 5%, thay vì 2% đang áp dụng như hiện nay. Giải ngân đầu tư công phải được tăng tốc hơn, các bộ ngành, địa phương có các dự án đầu tư phải làm quyết liệt hơn trong vấn đề cấp giấy phép, giải phóng mặt băng, đền bù giải tỏa, công trình xây dựng, đấu thầu công khai. Tinh thần làm việc của các lãnh đạo, cán bộ trong lúc này cần phải được đẩy mạnh, không xảy ra tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm mà tất cả dồn lực vào công việc chung chứ nếu không hết năm nay, kinh tế Việt Nam vẫn còn loay hoay, khó khăn, ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán”, TS Nguyễn Trí Hiếu trăn trở.