Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp nếu như tỷ giá tiếp tục có những diễn biến tác động bất lợi, cả kể là can thiệp ngay từ ngày hôm nay.
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm giữa VND với USD là 24.260 VND, tăng 164 đồng so với đầu tuần. Đây là mức giá cao nhất của tỷ giá trung tâm từ trước đến nay.
Với biên độ +/-5% đang được áp dụng, tỷ giá trần các ngân hàng áp dụng là 25.473 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.047 VND/USD.
Giá USD tại BIDV được niêm yết ở mức 25.130 - 25.440 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 260 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với đầu tuần.
Tại Vietcombank, giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 25.070 - 25.440 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 261 đồng ở chiều mua vào và tăng 261 đồng ở chiều bán ra so với đầu tuần.
Theo các chuyên, có nhiều nguyên nhân thúc đẩy USD tăng giá; trong đó, lý do chính là chỉ số USD-Index đã tăng cao trở lại sau khi giảm xuống mức thấp từ cuối năm 2023.
Từ đầu năm đến nay, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 6 tới đây sau khi cơ quan này đưa ra dự kiến sẽ có 3 đợt giảm lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên gần đây, nhiều thông tin kinh tế và phát biểu của các quan chức Fed đều cho rằng, cần xem xét lại việc giảm lãi suất khi lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao so với mục tiêu 2%. Điều đó càng thúc đẩy giá USD tăng cao.
Ông Nguyễn Thế Minh Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, việc tỷ giá hối đoái gia tăng từ đầu năm đến nay là không bất ngờ. Ông Minh cho biết, nhiều tổ chức kinh tế trong nước lẫn thế giới trong báo cáo đầu năm cho rằng áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam vẫn lớn, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2024.
Bởi lãi suất của Mỹ vẫn được neo cao trong khi Fed chỉ mới đưa ra dự kiến về khả năng giảm lãi suất mà không hề nói rõ thời điểm. Hiện nay, tỷ giá USD/VND sẽ biến động như thế nào vẫn là ẩn số do Fed có thể sẽ lùi thời điểm giảm lãi suất xa hơn dự báo. Trong khi đó, Việt Nam đã giảm quá nhanh lãi suất tiền đồng ngay từ năm 2023 nên áp lực càng gia tăng.
Tương tự, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cũng cho rằng những biến động tỷ giá thời gian gần đây cơ bản là do USD tăng giá. Từ đầu năm đến nay, USD trên thế giới đã tăng cao với 2 lý do. Đó là Fed có vẻ lưỡng lự hạ lãi suất và kinh tế Mỹ không suy thoái mà còn phục hồi tốt hơn năm ngoái và điều này khiến USD tăng giá. Dù vậy, về cơ bản, quan hệ cung - cầu ngoại tệ tại Việt Nam vẫn ổn. Khi Fed bắt đầu hạ Việt Nam, có thể từ quý III/2024, thì ngay lập tức tỷ giá sẽ bớt áp lực.
Về vấn đề này, tại buổi họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024 mới đây của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mức tăng tỷ giá đến nay so với đầu năm là 4,9%, là một mức tăng cũng đáng quan tâm. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước luôn luôn theo sát và cũng dùng các công cụ, các biện pháp; trong đó, có việc điều hành tỷ giá trung tâm để điều phối việc lên, xuống phù hợp theo tình hình chung, nhằm đảm bảo cân đối, hài hòa cung cầu.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, tỷ giá tăng là do kỳ vọng Fed sớm hạ lãi suất trong năm 2024 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được; lạm phát của Mỹ vẫn duy trì cao, số liệu việc làm tích cực, thị trường liên tục điều chỉnh. Nhiều dự báo cho rằng Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong 3 tháng đầu năm nhưng ngược lại, đến nay vẫn chưa thấy gì.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, quan điểm điều hành tỷ giá của Việt Nam rất linh hoạt, mặc dù vẫn tiếp tục ổn định tỷ giá cho nền kinh tế nhưng không cố định, ngược lại còn lên xuống để phù hợp với tình hình và tránh những tác động mạnh của thế giới.
Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ để ổn định thị trường ngoại tệ.
Theo ông Phạm Chí Quang, trên website Ngân hàng Nhà nước đã công bố phương án can thiệp ngoại tệ, công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đây là biện pháp mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo giải tỏa tâm lý thị trường, đảm bảo nguồn cung thị trường, nguồn cung ngoại tệ thông suốt, đảm bảo đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, tiếp tục các biện pháp ổn định thị trường nhằm đảm bảo nhu cầu của nền kinh tế, quản lý tốt lạm phát.