Vẫn còn nhiều rào cản khi xử lý nợ xấu

Ngày 8/5, ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, việc cơ cấu lại và xử lý nợ xấu vẫn còn gặp nhiều vướng mắc.

Cụ thể là khó khăn, vướng mắc của tổ chức tín dụng (TCTD) về thu giữ tài sản do khách hàng không hợp tác trong việc bàn giao tài sản. Một số cơ quan chức năng như: UBND, cơ quan công an… chưa phối hợp, tham gia hỗ trợ một cách tích cực để giải quyết khó khăn cho TCTD.

Ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: TBKTSG.

Điều kiện tài sản đảm bảo được xử lý phải không là tài sản tranh chấp, trong khi hiện nay chưa có hướng dẫn thế nào là tài sản đang tranh chấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp là khác nhau, gây khó khăn khi xử lý tài sản.

Bên cạnh đó, là vướng mắc liên quan đến việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước về cả mặt pháp lý và thực tiễn triển khai. Để nâng cao năng lực tài chính cho các NHTM, vấn đề cơ bản đặt ra là phải tăng vốn cho các ngân hàng này bằng cách: bán cổ phần cho nhà đầu tư (trong nước, ngoài nước) và sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn. Tuy nhiên, hiện nay các NHTM Nhà nước chưa được sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn, trong khi tăng vốn theo hình thức bán cổ phần bị hạn chế bởi quy định về tỷ lệ nắm giữ cổ phần tối thiểu của Nhà nước...

Trước những khó khăn, thách thức này, đại diện thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN cho biết: Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt/chấp thuận chủ trương và theo dõi, giám sát việc thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD; trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và triển khai thực hiện phương án xử lý TCTD yếu kém, đặc biệt là 3 NHTM mua lại và các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém; tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD yếu kém để kịp thời xử lý.

“Đẩy mạnh cơ cấu lại các NHTM Nhà nước; triển khai phương án nâng cao năng lực tài chính của các NHTM Nhà nước sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; kiên quyết xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, không có khả năng phục hồi; kiên quyết xử lý dứt điểm vấn đề sở hữu chéo, vi phạm giới hạn về sở hữu cổ phiếu dẫn tới chi phối ngân hàng của cổ đông hoặc nhóm cổ đông lớn, lợi ích nhóm trong các TCTD cổ phần theo lộ trình thích hợp”, ông Huyền Anh nói.

Theo NHNN, từ nay tới cuối năm, ngân hàng sẽ triển khai các giải pháp mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường. Đồng thời áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro trong việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường. 

NHNN cũng sẽ chỉ đạo TCTD tổ chức triển khai áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết số 42. Rà soát, tiết giảm các chi phí hoạt động và tập trung mọi nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu;...

Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tại thời điểm cuối năm 2017 đã giảm hơn so với mức 2,46% cuối năm 2016.

Minh Phương/Báo Tin tức
M&A bất động sản gặp nhiều rào cản vì nợ xấu
M&A bất động sản gặp nhiều rào cản vì nợ xấu

Dòng vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản trong năm 2017 tăng mạnh đã tiếp thêm động lực cho năm 2018, đặc biệt là làn sóng mua bán và sát nhập, chuyển nhượng (M&A) thêm sôi động. Tuy nhiên, vấn đề nợ xấu của bất động sản sẽ là rào cản lớn khiến thị trường M&A có nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN