Chiều 28/10, giá vàng giao ngay không đổi ở mức 1.909,20 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng đi ngang ở mức 1.911,60 USD/ounce.
Chiến lược gia thị trường toàn cầu Stephen Innes thuộc Axi nhận định giới đầu tư cần lý do để mua thêm vào vàng và lý do này sẽ đến từ yếu tố chính sách của các nước.
Động thái in tiền chưa từng có tiền lệ và lãi suất thấp trên toàn cầu dự kiến sẽ giúp vàng ghi nhận một năm giao dịch tốt nhất trong một thập niên, do sức hấp dẫn của kim loại quý này như là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ lạm phát và đồng tiền mất giá. Kim loại quý này tăng gần 26% trong năm nay.
Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm COVID-19 lan rộng, chính phủ các nước châu Âu đã tiến hành áp đặt các biện pháp hạn chế mới và đưa ra các chương trình hỗ trợ kinh tế cho các doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh.
Một yếu tố khác tác động đến tâm lý của nhà đầu tư là Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay gói cứu trợ COVID-19 mới có thể được thông qua sau cuộc bầu cử Tổng thống 3/11.
Đồng USD, cũng vốn được coi là tài sản an toàn, đã tăng 0,2% so với rổ tiền tệ chính trước tình hình bất ổn của cuộc bầu cử.
Chuyên gia phân tích kỹ thuật Wang Tao thuộc hãng Reuters cho hay giá vàng giao ngay có thể giao dịch ở mức hỗ trợ 1.887 USD/ounce và sau đó phục hồi lên mức kháng cự 1.912 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay ổn định ở mức 24,52 USD/ounce, giá bạch kim giao ngay tăng 0,6% lên 884 USD/ounce, còn giá palladium giao ngay tăng 0,9% lên 2.351 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, vào lúc 15 giờ 21 phút (giờ Việt Nam), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,95 - 56,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu châu Á giảm 2%
Giá dầu châu Á giảm khoảng 2% trong phiên giao dịch chiều 28/10 do dự trữ dầu thô của Mỹ tăng và các ca mắc COVID-19 ngày càng lan rộng ở Mỹ và châu Âu làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu giảm trong khi nguồn cung dư thừa.
Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 74 xu Mỹ (1,8%) xuống 40,46 USD/thùng sau khi tăng gần 2% phiên 27/10. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 90 xu Mỹ (2,3%) xuống ,67 USD/thùng, sau khi tăng 2,6% trong phiên trước.
Dự trữ xăng và dầu thô của Mỹ tăng trong tuần trước. Dữ liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 4,6 triệu thùng lên khoảng 495,2 triệu thùng, cao hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 1,2 triệu thùng của các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.
Henning Gloystein, Giám đốc phụ trách tài nguyên thiên nhiên và các nguồn năng lượng toàn cầu tại Eurasia Group, nhận định dịch COVID-19 sẽ làm giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và có khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh sẽ phải tiếp tục duy trì chính sách về nguồn cung dầu mỏ vào năm 2021.
Nỗi lo về dịch COVID-19 chi phối chứng khoán châu Á
Chứng khoán châu Á dịch chuyển trái chiều nhau trong phiên 28/10, khi sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 trên khắp nước Mỹ và châu Âu đang đe dọa đến triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, việc nhà đầu tư hầu như từ bỏ hy vọng về một gói kích thích kinh tế mới trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng phủ bóng lên chứng khoán châu Á trong phiên này.
Phiên 28/10, chứng khoán Nhật Bản đi xuống cùng với đà mất điểm của chứng khoán Phố Wall phiên trước, khi nhà đầu tư ngày càng lo ngại về hình hình dịch COVID-19 tại Mỹ và châu Âu. Chỉ số Nikkei 225 giảm 0,29% (67,29 điểm) xuống 23.418,51 điểm, đánh dấu phiên mất điểm nhẹ thứ ba liên tiếp đối với chỉ số này. Chứng khoán Mumbai, Taipei, Singapore và Manila cũng rơi vào vùng giảm điểm.
Ở chiều ngược lại, chứng khoán Hàn Quốc kết thúc chuỗi hai ngày mất điểm trong phiên 28/10 nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ tăng cao. Chỉ số KOSPI tại Seoul phiên này tăng 0,62% (14,42 điểm) và đóng cửa ở mức 2.345,26.
Chứng khoán Wellington đi lên, còn chứng khoán Sydney khởi sắc khi thành phố lớn thứ hai của Australia là Melbourne mở cửa trở lại sau một tháng bị phong tỏa.
Phản ánh xu hướng phân hóa của thị trường khu vực, chứng khoán Trung Quốc dịch chuyển trái chiều trong phiên này. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 0,32% (78,39 điểm) xuống 24.708,80 điểm khi nhà đầu tư lo lắng về sự gia tăng đột biến trong số ca mắc COVID-19 mới trên khắp châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tiến 0,46% (14,92 điểm) lên 3.269,24 điểm.
Yếu tố chính chi phối tâm lý nhà đầu tư trong phiên này là tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Giới lãnh đạo châu Âu đang buộc phải tái áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, gây thiệt hại về kinh tế để kiểm soát sự lây lan của COVID-19 khi một số nước đang ghi nhận số ca tử vong và ca mắc mới tăng đột biến.
Kết hợp với việc nước Mỹ cũng đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới, giới phân tích lo ngại rằng đà phục hồi kinh tế thế giới vốn đã trì trệ sẽ càng bị chệch hướng. Một số chuyên gia đã cảnh báo về một cuộc suy thoái kép cho kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, với việc các nhà lập pháp Mỹ ít khả năng thông qua bất kỳ gói giải cứu mới nào trước cuộc bầu cử đầu tháng 11, giới phân tích cho biết làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới cùng những yếu tố không chắc chắn xung quanh cuộc bỏ phiếu sẽ khiến thị trường chứng khoán toán cầu biến động trong những ngày tới.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/10, chỉ số VN - Index giảm 25,42 điểm (2,69%) xuống 921,05 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 456 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 9.019,365 tỷ đồng. Toàn sàn có 66 mã tăng giá, 46 mã đứng giá và 365 mã giảm giá.
Chỉ số HNX - Index giảm 3,09 điểm (2,25%) xuống 134,04 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 67 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 1.037,710 tỷ đồng. Toàn sàn có 47 mã tăng giá, 46 mã đứng giá và 106 mã giảm giá.