Lợi nhuận ngành ngân hàng nửa đầu năm 2022:

Vietcombank giữ vững vị trí 'quán quân', VPBank tăng trưởng ngoạn mục

Sau kỳ công bố báo cáo tài chính bán niên, thứ hạng các ngân hàng tính theo lợi nhuận trước thuế đã có nhiều xáo trộn so với cùng kỳ. Tuy vậy, góp mặt trong top 10 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất nửa đầu năm vẫn là những cái tên quen thuộc.

Chú thích ảnh
Vietcombank vững vàng ở ngôi vị "quán quân". Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Cụ thể, vững vàng ở ngôi vị "quán quân", Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế ấn tượng 17.300 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này đã được nâng cao lên hơn 500%, mức kỷ lục của riêng Vietcombank cũng như toàn ngành.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) năm nay đã phải nhường vị trí "á quân" cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) để lui về vị trí thứ 3.

VPBank đã thu hẹp đáng kể khoảng cách với Vietcombank, bật tăng 2 bậc so với năm trước khi ghi nhận lợi nhuận tới 15.300 tỷ đồng, tăng mạnh 70% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương hoàn thành 52% kế hoạch năm. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này đến từ khoản thu nhập đột biến về hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA (Việt Nam) trong khi đó, chi phí hoạt động lại tiếp tục được tối ưu hóa, kiểm soát ở mức thấp.

Còn Techcombank, với lợi nhuận trước thuế đạt 14.100 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước, ngân hàng này đã lùi xuống vị trí thứ 3. Theo báo cáo, tuy tổng thu nhập hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 của Techcombank tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, lên 21.100 tỷ đồng nhưng chi phí hoạt động lại tăng 24,3% so với cùng kỳ, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 30,3%. Chi phí hoạt động tăng theo Techcombank lý giải là để đầu tư vào 3 lĩnh vực: số hóa, dữ liệu và nhân tài theo kế hoạch chiến lược của ngân hàng.

Thêm một sự xuất hiện ấn tượng nữa trong top 5 năm nay, đó là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB) với lãi trước thuế khoảng 11.900 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ. Kết quả này đưa MB từ vị trí thứ 6 vươn lên vị trí thứ 4, đồng nghĩa với việc đã có ngân hàng lớn khác phải rời khỏi top 5.

Vừa công bố báo cáo tài chính, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán: CTG) báo lãi trước thuế lũy kế 6 tháng đạt hơn 11.600 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2021. Dù là con số lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay trong nửa đầu năm của ngân hàng này nhưng VietinBank vẫn bị VPBank và MB vượt mặt, lùi về vị trí thứ 5.

Lùi 1 bậc so với năm trước và rời khỏi top 5 trong kỳ này là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán: BID). Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV đạt 11.084 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 53,8% kế hoạch năm.

Dù vẫn ổn định ở vị trí thứ 7 trong top 10 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất nửa đầu năm nhưng Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã chứng khoán: ACB) cũng tăng trưởng ấn tượng đến 42% về lợi nhuận so với cùng kỳ, đạt 9.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Các vị trí còn lại lần lượt thuộc về Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB, mã chứng khoán: SHB) với 5.848 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank, mã chứng khoán: HDB) với 5.304 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB, mã chứng khoán: VIB) với 5.022 tỷ đồng. Nếu so với cùng kỳ năm 2021, SHB đã vượt mặt HDBank và VIB để tăng thêm 2 bậc lên vị trí thứ 8 của năm nay.

Như vậy, chỉ tính riêng 10 ngân hàng đứng đầu, tổng lợi nhuận trước thuế đã đạt hơn 106.000 tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, có đến 6 ngân hàng đạt lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng chỉ sau 6 tháng, gấp đôi số lượng ghi nhận hồi nửa đầu năm 2021.

Theo giới chuyên gia, những yếu tố chính giúp các ngân hàng duy trì tăng trưởng cao trong 6 tháng qua đến từ nền kinh tế phục hồi tốt sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 với tín dụng tăng mạnh ngay từ đầu năm, song song với áp lực trích lập dự phòng rủi ro giảm...

Phần lớn các tổ chức tín dụng tham gia cuộc điều tra mới đây của Ngân hàng Nhà nước đều kỳ vọng tình hình kinh doanh trong quý III và cả năm 2022 sẽ cải thiện tích cực với mức độ cải thiện cao hơn so với kỳ trước đó.

Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đưa ra kỳ vọng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng năm 2022 sẽ tăng trưởng khoảng 20-25% so với năm trước. 

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI lại cho rằng mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2022 có thể sẽ thấp hơn so với 6 tháng qua nhưng xét về mức tăng trưởng thì vẫn rất hấp dẫn so với cùng kỳ vì lợi nhuận nửa cuối năm 2021 tương đối thấp.

Lê Phương (TTXVN)
Thị trường chứng khoán có 'sợ' tháng Ngâu?
Thị trường chứng khoán có 'sợ' tháng Ngâu?

Quan niệm tháng Ngâu “nghỉ chơi” chứng khoán có lẽ chỉ đúng so với thời điểm trước đây. Thực tế những năm gần đây, hiệu ứng tháng Ngâu đã không còn tác động nhiều tới thị trường chứng khoán. Thậm chí tháng 7 Âm lịch chỉ số chứng khoán còn tăng mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN