Theo báo cáo của HoSE, tháng 12/2024 khép lại với chỉ số VN-Index đạt 1.266,78 điểm, tăng 1,31% so với tháng trước. Các chỉ số VN-Allshare và VN30 cũng tăng lần lượt 2,65% và 2,55% cho thấy sự phục hồi ổn định của các nhóm cổ phiếu lớn và toàn thị trường.
Cụ thể, các ngành công nghệ thông tin, tài chính và chăm sóc sức khỏe dẫn đầu với mức tăng lần lượt là 5,04%, 4,42% và 3,22%. Bên cạnh đó, các ngành hàng tiêu dùng, công nghiệp và nguyên vật liệu cũng ghi nhận sự khởi sắc, phản ánh sự phân bổ dòng tiền vào nhiều lĩnh vực khác nhau.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, với khối lượng giao dịch cổ phiếu trung bình đạt hơn 578 triệu cổ phiếu/ngày, giá trị giao dịch trung bình đạt 14.535 tỷ đồng/ngày, tăng 6,08% về khối lượng và 2,% về giá trị so với tháng 11/2024.
Tuy nhiên, các giao dịch liên quan đến chứng quyền có bảo đảm (CW) và chứng chỉ quỹ ETF lại giảm nhẹ cả về khối lượng lẫn giá trị. Nhà đầu tư trong nước thể hiện tâm lý lạc quan, tiếp tục gia tăng hoạt động mua vào, trong khi nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì sự tham gia quan trọng trên thị trường.
Dòng vốn ngoại trong tháng 12/2024 tiếp tục cho thấy những động thái đáng chú ý. Tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 63.778 tỷ đồng, chiếm khoảng 9,97% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Dù nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 2.248 tỷ đồng trong tháng, mức tham gia này vẫn thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của khối ngoại với thị trường Việt Nam. Một trong những lý do quan trọng là quy mô vốn hóa lớn của các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE, đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tương đương 50,95% GDP năm 2023. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn với vốn hóa trên 1 tỷ USD như VCB, BID, FPT và HPG tiếp tục thu hút sự chú ý nhờ tiềm năng tăng trưởng dài hạn và khả năng sinh lời ổn định.
Bước sang tháng 1/2025, thị trường chứng khoán dự kiến sẽ tiếp tục chịu tác động từ các yếu tố nội tại và quốc tế. Lịch sử cho thấy, VN-Index thường có xu hướng tăng điểm trong giai đoạn cận Tết Nguyên đán. Trong 23 mùa Tết gần nhất, chỉ số này đã tăng điểm trong 17 lần, với mức tăng đáng kể 10,8% năm 2008 và 4,5% năm 2023. Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 1/2025 lại ghi nhận sự sụt giảm khi VN-Index mất 24 điểm trong hai phiên giao dịch đầu tiên, xuống mức 1.246 điểm, thấp nhất trong một tháng qua. Điều này phản ánh tâm lý chốt lời của nhà đầu tư sau giai đoạn tăng trưởng mạnh cuối năm.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDIRECT, thị trường trong những tuần sát Tết thường khó có đà tăng đột biến do nhà đầu tư có xu hướng giảm sử dụng margin để tiết giảm chi phí lãi vay. Thanh khoản khó cải thiện mạnh, nhưng các nhóm cổ phiếu dẫn dắt và dòng vốn cá nhân sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo.
Dù vậy, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số CTCP Chứng khoán VPBank vẫn kỳ vọng, thị trường có khả năng tăng điểm trước kỳ nghỉ Tết nhờ vào kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp niêm yết trong quý IV/2024 và các chính sách kinh tế ổn định.
Một điểm sáng trong tháng 1/2025 là khả năng thu hút dòng vốn ngoại dài hạn. Dù bán ròng trong tháng 12/2024, sự tham gia mạnh mẽ với giá trị giao dịch trên 63.778 tỷ đồng từ khối ngoại cho thấy tiềm năng lớn của thị trường Việt Nam. Quy mô vốn hóa của các doanh nghiệp đầu ngành và các cổ phiếu blue-chip như VCB, BID, FPT tiếp tục là yếu tố then chốt giữ chân nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi các yếu tố vĩ mô trong nước được kiểm soát tốt.
Thị trường chứng khoán tháng 12/2024 với những tín hiệu tăng trưởng tích cực đã tạo đà cho năm mới 2025, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng trước những yếu tố biến động trong giai đoạn sát Tết. Theo khuyến cáo của các chuyên gia chứng khoán, sự chú ý đặc biệt cần được dành cho các nhóm ngành dẫn dắt như công nghệ, tài chính và chăm sóc sức khỏe cùng với diễn biến dòng vốn ngoại. Đây là thời điểm để nhà đầu tư đưa ra chiến lược hợp lý, tối ưu hóa danh mục và tận dụng các cơ hội từ những biến động tích cực trước kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm.