Sau khi triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, hiện tượng thu gom khẩu trang y tế và các sản phẩm sát trùng đã giảm so với những ngày trước. Tuy nhiên, vẫn xảy ra hiện tượng khan hàng và có biến động giá các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ phòng bệnh.
Tính trong ngày 3/2, lực lượng QLTT đã kiểm tra 616 đơn vị kinh doanh thiết bị y tế, cửa hàng, hiệu thuốc. Xử lý 74 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 59.550.000 đồng. Cùng với đó, tạm giữ: 9.934 khẩu trang các loại.
Tại Hà Nội, do nhu cầu của người dân lớn, các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng... lại rất khan hiếm. Bên trong chợ thuốc Haphulico, tuyến phố Ngọc Khánh, Phương Mai, hàng loạt quầy thuốc tại đây đều đặt biển "không bán khẩu trang, nước rửa tay, xin đừng hỏi"... rất nhiều khách hàng có nhu cầu về khẩu trang y tế, nước rửa tay kháng khuẩn đều không thể mua được mặt hàng này.
Tại Ninh Bình, Bắc Kạn, một số nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn treo biển “Không có bán khẩu trang” trong khi nhu cầu mua mặt hàng khẩu trang vẫn còn rất lớn. Theo ý kiến của các chủ cơ sở là do không có nguồn hàng để nhập, số lượng tiêu thụ quá cao nên phía cung ứng không có hàng để cung cấp.
Một số cơ sở vẫn còn các mặt hàng thuốc nước sát trùng, nước súc miệng, nước rửa tay... nhưng số lượng còn tồn không nhiều, tại thời điểm kiểm tra hàng hóa đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các cơ sở kinh doanh thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
Tại hầu hết các tỉnh miền Trung, nhu cầu mặt hàng khẩu trang y tế vẫn đang tăng cao, giá bán một số nơi tăng cao hơn trước đây. Nhiều nơi xảy ra tình trạng không đủ hàng để bán.
Tại Nghệ An, tính đến 16 giờ ngày 3/2 do số lượng người mua khẩu trang y tế để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, nhu cầu tăng cao nên trên địa bàn tỉnh đã có hiện tượng khan hiếm nguồn cung hàng hóa, một số nhà thuốc, cơ sở kinh doanh thiết bị y tế có kinh doanh khẩu trang y tế đã hết hàng hoặc chỉ còn số lượng rất ít.
Tại Khánh Hòa, ngày 3/2, hoạt động kinh doanh tại các quầy thuốc, nhà thuốc vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn để phòng chống dịch nCoV tại một số quầy thuốc, nhà thuốc đã hết, không còn hàng để bán; nhưng các quầy thuốc, nhà thuốc đã đặt hàng và cam kết sau khi có hàng bán theo đúng giá công ty đưa ra, không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá.
Một số quầy thuốc, nhà thuốc còn số lượng ít vẫn bán ra phục vụ người dân, giá bán mặt hàng khẩu trang y tế khoảng từ 50.000 - 100.000 đồng/hộp (từ 20-50 cái/hộp), dung dịch sát khuẩn có giá từ 30.000 đồng/chai trở lên tùy nhãn hàng, thể tích. Công tác kiểm tra, giám sát các quầy thuốc, nhà thuốc được tiến hành thường xuyên, chưa phát hiện hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, tiếp tục vận động các quầy thuốc, nhà thuốc ký cam kết không đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Tại TP Hồ Chí Minh, trong ngày 3/2, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng khẩu trang y tế trên địa bàn đã bắt đầu hoạt động trở lại. Đến thời điểm hiện tại, phần lớn các nhà thuốc đã bắt đầu đi vào hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hầu hết các nhà thuốc, các điểm kinh doanh dụng cụ y tế đã không còn mặt hàng khẩu trang để bán....
Như vậy, tính từ ngày 31/1 - 3/2/2020, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra, xử lý: 1.837 vụ. Tạm giữ: 328.550 chiếc khẩu trang có dấu hiệu vi phạm.