Chế biến ca tra xuất khẩu tại Công ty Hùng Cá, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: An Hiếu/TTXVN |
Dư địa thị trường lớnTheo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu cá tra trong tháng 1/2017 đạt giá trị hơn 120 triệu USD, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ và EU là 2 trong số những thị trường nhập khẩu chính chiếm 32% tổng giá trị cũng giảm mạnh nhập khẩu, lần lượt là 40,9% và 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng thị trường Trung Quốc vẫn đạt 17,7 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 5 năm trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc tăng từ 24,2 - 88,7%/năm. Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường năm 2016 đạt gần 305 triệu USD, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015 và tăng gấp 4,17 lần so với 5 năm trước đó (năm 2012).
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, nhu cầu thu mua cá tra tiêu dùng nội địa tại các nhà hàng, khách sạn, bữa ăn trường học, công ty… của Trung Quốc tăng mạnh. Điều này đã khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu sang thị trường này.
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hùng Vương cho biết, thị trường xuất khẩu chính của cá tra trong năm 2017 không phải là Mỹ mà là Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông). Mặc dù trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ nhiều hơn Trung Quốc khoảng 50 triệu USD, tuy nhiên dự báo tăng trưởng xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc trong năm 2017 sẽ trên 30%, với kim ngạch hơn 400 triệu USD.
Theo ông Minh, sở dĩ cá tra cạnh tranh được ở thị trường Trung Quốc là cạnh tranh với con cá chép. Người lớn và trẻ em Trung Quốc thường không sử dụng cá chép vì sợ hóc xương và giá cá tra phù hợp với túi tiền của người dân hơn. Nếu chỉ cần một người dân Trung Quốc ăn 1 con cá/năm thì sản lượng cá tra của Việt Nam đã lên 1,4 triệu tấn, chứ không cần thị trường khác. Mặt khác, khi mặt hàng này được nhập vào thị trường Mỹ hay EU thì chỉ đơn thuần chế biến dạng phile, còn Trung Quốc là một quốc gia có văn hóa ẩm thực phong phú, mặt hàng cá tra được chế biến hàng trăm món ăn khác nhau.
Liên quan đến những lo ngại rủi ro khi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, một số doanh nghiệp cho rằng điều này không có gì đáng lo ngại. Bởi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thủy sản ở Trung Quốc không giống so với các mặt hàng khác. Người dân Trung Quốc đang từng bước sử dụng mặt hàng thủy sản nhiều hơn các sản phẩm thịt, do môi trường nuôi trồng thủy sản ngày càng thu hẹp vì tình trạng ô nhiễm môi trường đang gia tăng.
Riêng sản phẩm tôm, có lúc thừa lúc thiếu, các doanh nghiệp Trung Quốc có nhiều sự lựa chọn, có thể mua hàng ở Indonesia, Ấn Độ, Ecuador…, nơi nào có giá tôm rẻ thì họ mua. Còn cá tra thì hiện nay không thể thay thế được ở thị trường Trung Quốc. Bản thân người dân Trung Quốc đang nuôi cá chép và cá rô phi nhưng có giá cao hơn so với cá tra từ 30-40%, do vậy cá tra nhập khẩu vẫn được đánh giá có tính hấp dẫn hơn rất nhiều.
Vẫn tiềm ẩn nhiều rủi roMặc dù dư địa thị trường và tiềm năng xuất khẩu khá lớn, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là khâu thanh toán.
Theo ghi nhận của VASEP từ các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đề nghị chỉ đặt cọc khoảng 30% tổng tiền lô hàng cá tra, cộng với giá vận chuyển trung bình một lô hàng cá tra tới cửa khẩu khoảng 45 - 47 triệu đồng. Nếu container tới cửa khẩu và phía bạn nhận hàng thì doanh nghiệp được, còn nếu không thì coi như mất trắng.
Bên cạnh đó, tiền thanh toán các đơn hàng cá tra xuất sang Trung Quốc khá đa dạng, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp nước này chỉ trả bằng tiền đồng giống như việc tiêu thụ nội địa. Điều này khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi sang các loại tiền tệ khác.
Mặt khác, phần lớn sản phẩm cá tra xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ở 2 dạng chính: cá tra xẻ bướm và phile. Một số doanh nghiệp cho rằng, với sản phẩm cá tra xẻ bướm, nếu khách hàng Trung Quốc mua thì có giá tốt, lượng hàng lớn nhưng nếu không mua thì khó có thể xuất sang thị trường khác.