Đa số doanh nghiệp xuất khẩu vẫn dựa vào các kênh xuất khẩu truyền thống hoặc khai thác các kênh kinh doanh trực tuyến ở mức độ rất cơ bản như website, email…
Sản xuất sợi xuất khẩu của Công ty Cổ phần Sợi Phú Bài - Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại Điện tử, Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) Nguyễn Kỳ Minh, đối với phương thức xuất khẩu trực tuyến, doanh nghiệp Việt Nam có hai kênh chính để sử dụng. Thứ nhất, tìm đối tác nước ngoài thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử. Thứ hai, thông qua kênh này bán trực tiếp tới tận tay người tiêu dùng ở nước ngoài.
“Tuy nhiên kênh xuất nhập khẩu trực tuyến vẫn chưa được ưa chuộng do doanh nghiệp chưa có đủ kỹ năng để tự tin bán hàng trên các kênh trực tuyến tới tận tay người tiêu dùng”, ông Minh nói.
Trong khi đó, Việt Nam hiện có gần 50 triệu người sử dụng internet, đạt tỷ lệ trên 53% dân số, cao hơn mức trung bình thế giới là 46,6%. Con số này đặc biệt có ý nghĩa đối với những ngành nghề kinh doanh trực tuyến, trong đó, mở ra phương thức xuất nhập khẩu trực tuyến.
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử năm 2017, thực hiện giao dịch điện tử sẽ mang lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Theo đó, doanh nghiệp tiết kiệm được 15 - 30%, thậm chí lên tới 90% thời gian so với cách làm truyền thống; đồng thời tiết kiệm về nhân lực, giảm sai sót, minh bạch về thủ tục và tăng khả năng số hóa.
“Trong khi đó, với phương thức giao dịch truyền thống, bên cạnh các thủ tục rườm rà, nhiều doanh nghiệp vẫn phải chịu chi phí khi muốn tìm đối tác nước ngoài hay xúc tiến thương mại. Vì vậy, phương thức xuất nhập khẩu trực tuyến là cơ hội lớn để giảm chi phí thời gian, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm thông tin bạn hàng, xúc tiến thương mại, tiếp thị sản phẩm, giao dịch và thanh toán”, đại diện Bộ Công Thương nói.
Theo Công ty cổ phần Tinh chất thảo dược Việt Nam, để thực hiện công tác tiếp thị truyền thông, doanh nghiệp phải đi rất nhiều nơi để kết nối, tìm khách hàng, thậm chí phải bay tới nước bạn để tham gia các hội chợ. Tuy nhiên hiện nay thông qua kênh trực tuyến, doanh nghiệp chỉ ngồi trong văn phòng là có thể giao dịch với khách hàng. Mặc dù mới tham gia xuất nhập khẩu trực tuyến được 1 năm, nhưng công ty đã có rất nhiều khách hàng, trung bình từ 5 - 10 khách hàng/ngày.
Ông Trần Xuân Thủy - Giám đốc thị trường Việt Nam của Alibaba chia sẻ: Thương mại điện tử, trong đó có xuất khẩu trực tuyến, là kênh kinh doanh tất yếu vì tính hiệu quả, dễ dàng tìm người mua hàng và người bán hàng. “Trung Nguyên, Kangaroo đều là những công ty có tiềm lực tài chính và là khách hàng lâu năm của chúng tôi. Nguồn thị trường mới mà họ có được từ thương mại điện tử đã tăng lên đáng kể, thay vì đội sales phải đi thị trường này, thị trường kia để tìm kiếm người mua mới”, ông Thủy nói.
Trong việc phát thị trường mới, tìm kiếm người mua mới, doanh nghiệp lớn có lợi thế rất lớn. Họ có đủ ngân sách để mở văn phòng đại diện, tham gia hội chợ triển lãm, tham quan hoặc đến những thị trường tiềm năng mở thương vụ. Ngược lại, doanh nghiệp nhỏ rất khó khăn trong việc này.
Theo Alibaba tại Việt Nam, thương mại điện tử trên nền tảng kinh doanh trực tuyến B2B (giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau) sẽ giải quyết được tất cả vấn đề như vậy cho một doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp không phải bỏ nhiều tiền bạc tham gia các hội chợ triển lãm, chỉ cần online trên máy tính; cũng không sợ chênh lệch thời gian hay không gian mà nhìn được ngay trên màn hình máy tính hay smartphone. Thương mại điện tử không có hạn chế về doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ nên sẽ tạo ra thêm nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.
Nắm bắt đòi hỏi gắt gao của thị trường đối với việc tiếp cận các nền tảng toàn cầu này, Tập đoàn Internet Novaon đã xây dựng một giải pháp tổng thể về xuất khẩu trực tuyến mang tên Alibaba.com - website B2B về xuất nhập khẩu trực tuyến Trải qua một quá trình đàm phán, Novaon vừa trở thành đại lý chính thức cung cấp các gói dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu của Alibaba.com; giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, khai thác và làm chủ nền tảng kinh doanh trực tuyến này.
Phía Novaon cũng đang phát động Chương trình “1.000 doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến tiên phong”. Đây là chương trình nhằm tạo ra 1.000 doanh nghiệp xuất khẩu có khả năng ứng dụng và khai thác các nền tảng kinh doanh trực tuyến toàn cầu ở mức độ nâng cao, lan tỏa và tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu.