Nghiên cứu mới đây của Google cũng đã chỉ ra, Việt Nam nằm trong Top 5 quốc gia có dân số kết nối trực tuyến hàng đầu châu Á với 52 triệu người kết nối trực tuyến. Đáng chú ý là, tỷ lệ dân số tiếp cận Internet tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn cao hơn rất nhiều.
Báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cũng cho hay, mỗi người sử dụng Internet tại Việt Nam bỏ ra số tiền trung bình lên tới 160 USD/năm cho TMĐT. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng thị trường hàng năm của thương mại điện tử Việt Nam đã đạt tới 22%, tỷ lệ tiếp cận thương mại điện tử lên tới 28%.
Ngoài ra, các loại hình, nền tảng TMĐT hiện nay rất phong phú và đa dạng. Cụ thể, ngoài phương thức bán hàng TMĐT qua website máy tính, qua mạng xã hội thì phương thức bán hàng qua các ứng dụng di động,… cũng đang rất phát triển, tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa qua kênh online đến được cả vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi…
Thêm nữa, các thiết bị công nghệ, đặc biệt thiết bị di động cầm tay (máy tính bảng, smartphone) ngày càng rẻ và có công nghệ kết nối mạnh mẽ cùng với mạng 3G, 4G phủ rộng khắp nên cũng tạo điều kiện truy cập internet, mua hàng và thanh toán online thuận tiện hơn. Nghiên cứu của Nielsen cho thấy, tỷ lệ sử dụng smartphone tại Việt Nam đạt trên 70%, thậm chí ở các vùng nông thôn cũng đã đạt tới trên 50%.
Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành TMĐT tại Việt Nam hiện nay, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng trong 5 năm tới, quy mô thị trường có thể đạt 10 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng lên tới 30 - 50%/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng thị trường TMĐT vẫn còn gặp nhiều khó khăn cũng như sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu mạnh đến từ nước ngoài. Nguyên nhân chính phần lớn là do thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn thích sờ tận tay, xem chất lượng hàng như thế nào, hay phải thử có phù hợp không rồi mới quyết định mua.
Do đó, đã có không ít doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam bị thất bại và dần bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp khác đến từ nước ngoài. Thực tế cho thấy, đã có không ít tên tuổi lớn rời bỏ thị trường như Beyeu.vn, Deca.vn, Fab.vn, Cucre.vn và gần đây là Lingo.vn vì không thể chịu nổi mức thua lỗ hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng để giành thị phần.
Với những tên tuổi lớn của nước ngoài tham gia cũng phải chịu sức ép, như Lazada vừa qua cũng đã bán cho Alibaba; Robins - trang chuyên về thời trang trước đây có tên Zalora, đã bán cho Central Group của Thái Lan…