50 năm chiến thắng Đường 9 - Nam Lào: Sức mạnh tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt Việt – Lào

Cách đây 50 năm, sau hơn 50 ngày đêm (từ ngày 30/1–23/3/1971), quân dân Việt Nam phối hợp chặt chẽ với nhân dân các bộ tộc và lực lượng vũ trang cách mạng Lào đã tổ chức thực hiện thắng lợi chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, mở ra bước ngoặt phát triển mới cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc ba nước Đông Dương.

Đây là thắng lợi của một chiến dịch mang ý nghĩa chiến lược, tạo ra cục diện và thời cơ mới đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phát triển đến thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971 đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta trong tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đồng thời là minh chứng sống động cho tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.  

Nhắc đến chiến dịch này, dù nhiều thập niên đã trôi qua, đôi mắt của Đại tướng Chansamone Chanyalath, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, vẫn ánh lên niềm tự hào. Thời điểm đó, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 19 của quân dân Việt Nam, chính quyền Mỹ đề ra chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, lấy quân đội Sài Gòn làm nòng cốt, có sự phối hợp của một bộ phận đáng kể lực lượng chiến đấu Mỹ và vẫn do Mỹ chỉ huy thông qua hệ thống cố vấn quân sự, cung cấp tiền bạc, vũ khí kỹ thuật, phương tiện chiến tranh hiện đại. Cuối năm 1970, Mỹ và chính quyền Sài Gòn quyết định tập trung lực lượng mở đồng thời ba cuộc hành quân quy mô lớn đánh phá tuyến chi viện chiến lược Bắc – Nam (đường Trường Sơn) của cách mạng 3 nước Đông Dương trong mùa khô 1970 – 1971, gồm cuộc hành quân mật danh “Lam Sơn 719” đánh ra khu vực Đường 9 – Nam Lào (tỉnh Savannakhet) có quy mô lớn nhất; cuộc hành quân mật danh “Toàn thắng 1/71” đánh lên vùng Kampong Cham và Krate (Đông Bắc Campuchia); cuộc hành quân mật danh “Quang Trung 4” đánh ra vùng ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.

Đại tướng Chansamone Chanyalath nhớ lại khi đó, địch mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 với ý đồ “một viên đạn diệt 3 con chim”: cả Lào, Việt Nam và Campuchia. Để làm được điều này, địch đã sử dụng một lực lượng rất lớn, gồm những đơn vị thiện chiến và trù bị chiến lược (sư đoàn dù, sư đoàn thủy quân lục chiến), lực lượng lúc cao nhất lên tới 55.000 quân, trong đó quân đội Sài Gòn 40.000; quân Mỹ hỗ trợ 15.000, huy động hơn 500 xe tăng và xe bọc thép, gần 300 khẩu pháo và 1.000 máy bay các loại…; đồng thời còn nhận được sự hỗ trợ từ quân đội phái hữu Lào (9 tiểu đoàn) ở phía Tây Đường 9.

Theo Đại tướng Chansamone Chanyalath, sau khi tiếp xúc, trao đổi, cùng nhau đi đến thống nhất về chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, quân dân Việt Nam phối hợp chặt chẽ với nhân dân các bộ tộc và lực lượng vũ trang cách mạng Lào đã mở chiến dịch phản công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Chiến dịch diễn ra trên một địa bàn rộng, với chiều dài 140 km theo hướng Đông - Tây, từ Cửa Việt, Ðông Hà (Việt Nam) tới Mường Phìn, Pha Lan (Lào); chiều rộng (theo hướng Bắc - Nam) từ Mường Trương tới Mường Noọng khoảng 60 km. Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, quân và dân Việt - Lào đã bẻ gãy từng hướng tiến công và sau hơn 50 ngày đêm đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của địch.

Đại tướng Chansamone nhấn mạnh chiến thắng này đã làm thất bại chiến lược của chính quyền Mỹ, ngụy quân Sài Gòn và lực lượng phản động bán nước ở Lào tìm cách chia cắt 3 nước Lào – Việt Nam – Campuchia. Ông nói: “Chiến thắng Lam Sơn có ý nghĩa lịch sử cả về mặt quân sự và chính trị. Chiến thắng này cũng thể hiện sức mạnh đoàn kết của liên minh chiến đấu Lào – Việt”.

Dù đã ở tuổi 90, ông Buasy Chaleunsouk, từng là thư ký của Chủ tịch Lào Kaysone Phomvihane từ năm 1964-1984, vẫn nhớ như in cảm giác vỡ òa và không khí mừng chiến thắng tại Khu căn cứ địa cách mạng Viengsay, tỉnh Huaphanh, Bắc Lào, cách đây 50 năm. Ông hồi tưởng lại khi chiến dịch diễn ra, Chủ tịch Lào Kaysone Phomvihane là người chỉ đạo chung và đồng chí Khamtay Siphandone là người chịu trách nhiệm trực tiếp đều theo dõi rất sát tình hình chiến sự. Một buổi sáng, tin chiến thắng bay về, cả chiến khu người người đều vui mừng không kể xiết. Tại cuộc họp ban lãnh đạo được tổ chức ở Viengsay ngay sau đó, đồng chí Khamtay nhận định đây là một chiến thắng có ý nghĩa chiến lược, đánh bại ý đồ  “1 viên đạn diệt 3 con chim" hòng làm suy yếu phong trào cách mạng của 3 nước Lào, Việt Nam và Campuchia, đồng thời làm thất bại âm mưu "rút lui trong danh dự" của Mỹ.

Theo ông Buasy Chaleunsouk, chiến thắng Đường 9 - Nam Lào là thắng lợi cả về mặt chính trị và quân sự, tạo niềm vui lớn. Các tỉnh của Lào đều tổ chức lễ ăn mừng chiến thắng này.

Chiến thắng Ðường 9 - Nam Lào thật sự là thắng lợi chung của  quân và dân hai nước, thắng lợi của tình đoàn kết Việt - Lào. Đó cũng là một trong những biểu tượng của quan hệ đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai quân đội và hai dân tộc Việt – Lào anh em.

Phạm Kiên - Thu Phương (Phóng viên TTXVN tại Lào)
50 năm chiến thắng Đường 9 - Nam Lào: Ý nghĩa thắng lợi và bài học lịch sử
50 năm chiến thắng Đường 9 - Nam Lào: Ý nghĩa thắng lợi và bài học lịch sử

Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào bắt đầu từ ngày 30/1 và kết thúc thắng lợi vào ngày 23/3/1971. Lần đầu tiên, ta thực hành thắng lợi một chiến dịch phản công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đánh tiêu diệt một tập đoàn quân chủ lực tinh nhuệ của địch, góp phần quyết định làm xoay chuyển cục diện chiến tranh theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng ba nước Đông Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN