ACCSM 21: Phát triển đội ngũ lãnh đạo có khả năng thích ứng cao

Hội nghị Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21 (ACCSM 21) do Bộ Nội vụ Việt Nam chủ trì với vai trò là Chủ tịch ACCSM 21 đã khép lại chiều 5/8.

Chú thích ảnh
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Hội nghị với chuỗi sự kiện chính thức và không chính thức, kéo dài từ ngày 2-5/8 đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng đại biểu cơ quan công vụ các nước ASEAN, ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và các đối tác đối thoại (Australia) về một nước chủ nhà thân thiện, trách nhiệm, một Việt Nam tươi đẹp và mến khách. Như lời cảm ơn của Phó Tổng Thư ký ASEAN Ekkaphab Phantavong "nước chủ nhà Việt Nam đã đón tiếp thịnh tình, sắp xếp chu đáo".

Còn ông Ajman bin Haji Meludin, Phó Tổng Thư ký – Phó Trưởng ban Công vụ, Văn phòng Thủ tướng Brunei chia sẻ "Việt Nam tổ chức đón tiếp thịnh tình và chủ tọa tốt, hiệu quả ACCSM 21. Các nội dung tại Hội nghị vô cùng thiết thực. Đây là Hội nghị được tổ chức sau đợt dịch COVID-19, cho thấy sự đa dạng, thay đổi rất nhiều. Những khu vực công phải thích ứng rất nhanh với hoàn cảnh hiện nay". Brunei là nước chủ nhà của ACCSM 22, và nước này đã thu được nhiều kiến thức mới, kinh nghiệm quan trọng để thực hiện những kế hoạch hành động trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình.

Những chia sẻ tại các phiên làm việc như cuộc họp của những Người đứng đầu nền công vụ ASEAN (HEAD) và ASEAN+3 (HEAD+3), của các cán bộ cấp cao SOM, SOM+3, các đối tác đối thoại, hay Diễn đàn về quản trị đất nước tốt, Thảo luận không chính thức về hiện đại hóa nền công vụ: đa dạng và toàn diện… đã đem lại nhiều góc nhìn mới cho nền công vụ các nước. Đó có thể là công tác quản lý nguồn nhân lực trong khu vực công; xây dựng mô hình kế nhiệm nhân tài, phương pháp phát triển nhân tài; đánh giá năng suất lao động trong nền công vụ; cung ứng dịch vụ công; hay kinh nghiệm lãnh đạo trong bối cảnh hậu COVID-19, trong đó có các kỹ năng ứng phó với những bất ổn của thế giới đầy biến động; công vụ số hóa nhằm cải thiện cung ứng dịch vụ; chuyển đổi số trong nền công vụ….

Qua Diễn đàn về quản trị đất nước tốt cho thấy, các nước cùng gặp những thách thức chung trong việc thu hút và giữ chân người tài, tận dụng thế mạnh của thế hệ gen Z, Y - thế hệ có kiến thức tốt hơn về công nghệ khoa học kỹ thuật - cho nền công vụ và cải thiện kỹ năng của thế hệ lớn hơn. Chia sẻ từ Việt Nam và Indonesia cho thấy, cả hai nước cùng đối mặt với thách thức từ làn sóng cách mạng về khoa học công nghệ, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, điều này đòi hỏi phải xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ công chức phù hợp.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, những biến động, thách thức to lớn và khó lường gần đây đã khiến nền công vụ hơn bao giờ hết, phải nhìn lại mình, phải cấp thiết đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ để thực sự là những nền công vụ hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm. Điều này đòi hỏi đội ngũ công chức cũng phải thay đổi, linh hoạt hơn, nhanh nhạy hơn, sáng tạo hơn, học hỏi hơn.

Theo ông Roger Tan - Trợ lý Giám đốc điều hành, Trường Công vụ Singapore, với đổi mới công nghệ, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, robot, khoảng 5 triệu việc làm sẽ mất đi thời gian tới. Khi các công nghệ thay thế việc làm, sẽ có thách thức việc làm mới và thách thức cho đội ngũ công vụ. Trình độ công chức đang trở nên lỗi thời với tốc độ ngày càng nhanh, 5 năm sau tốt nghiệp, những gì được học trong trường đại học có thể coi là lỗi thời, vì vậy công chức cần học hỏi những kỹ năng mới, chuyên môn mới.

Với sự phát triển của công nghệ, kỹ năng số, công nghệ số trở thành yêu cầu quan trọng. 5 năm trở lại đây, Singapore đã huấn luyện được hơn 10.000 lượt cán bộ, công chức có năng lực trong các ngành khoa học dữ liệu, đưa họ trở thành những "kỹ sư" về dữ liệu. Quốc đảo sư tử này phấn đấu đến năm 2023, các cán bộ đều được đào tạo kỹ năng số cơ bản.

Để tìm ra giải pháp giữ chân người tài, chuyên gia chính sách về nguồn nhân lực đến từ Ủy ban Công vụ Thái Lan cho biết, "chúng tôi nhìn ra nhân tài họ muốn gì để có chính sách thu hút họ". Từ phân tích các lứa tuổi, nắm được lực lượng trong hệ thống công vụ, Ủy ban này đưa ra các chính sách phù hợp. Mỗi năm, Thái Lan dành 200 – 300 suất học bổng cho các nhân tài trẻ với yêu cầu học xong phải quay về làm việc trong nước.

Con đường rộng hơn để thu hút nhân tài của Thái Lan là các chương trình ngắn hạn, tăng cường thi tuyển theo hình thức điện tử và trong tương lai sẽ thi hoàn toàn bằng cách này. Thái Lan hiện có 2 chương trình làm việc: Theo truyền thống (từ lúc thi vào đến khi về hưu) và mô hình thay thế (dựa trên hợp đồng với công chức). Tuy nhiên, các chương trình này vẫn chưa thu hút nhân tài trẻ. Vì vậy, Thái Lan đang nghiên cứu các mô hình mới thu hút được nhân tài để nhà nước được hưởng lợi từ chuyên môn của họ.

Còn cách làm của Singapore là thực hiện hệ thống luân chuyển cán bộ linh hoạt hơn trong hệ thống công chức. Cán bộ của bộ này có thể đi thực hiện chương trình, dự án ngắn hạn của bộ kia và thủ trưởng đơn vị được khuyến khích cho cán bộ đi luân chuyển. Để duy trì nhân tài, Singapore cho cán bộ đi biệt phái ở khối tư nhân như các hãng hàng không, ngân hàng trong thời gian 2 năm để họ học được những kỹ năng trong giới doanh nghiệp, sau đó có thể quay về cơ quan công quyền làm việc. Bất cứ ai làm việc trong bộ máy công quyền đều có thể đăng ký được định hướng công việc để tìm việc làm phù hợp, qua đó giúp họ có kỹ năng làm việc suốt đời.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà với các trưởng đoàn chụp ảnh chung. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Diễn đàn về quản trị đất nước tốt với chủ đề "Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế" đã giúp các đại biểu có cách nhìn toàn diện và đa dạng hơn về các chiến lược và giải pháp đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, cũng như những yêu cầu về đổi mới hoạt động của chính phủ ở mỗi quốc gia. Qua đó, xem xét, lựa chọn để có thể áp dụng phù hợp với thực tiễn của mỗi nước, giúp xây dựng nền công vụ thực sự đổi mới, hiện đại, chuyên nghiệp và mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho công dân nước mình.

Đây cũng là cơ hội tốt để khẳng định giá trị, tầm quan trọng của nền công vụ và đội ngũ công chức đối với phát triển bền vững ở mỗi quốc gia, trong đó con người là chủ thể tạo nên sự thay đổi, đổi mới.

"Việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, có ý thức, thái độ và đạo đức công vụ tốt, thực thi công vụ hiệu quả, chuyên nghiệp là yêu cầu tất yếu hiện nay về đổi mới chính phủ, đổi mới nền công vụ và quản trị công của các nước trong khu vực", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.

Hội nghị ACCSM 21 đã thành công tốt đẹp, các nước thành viên ASEAN và ASEAN+3 đã đồng thuận rất cao về các nội dung được đưa ra trong chương trình nghị sự của Hội nghị và cam kết ủng hộ, mong được hợp tác với các đối tác để triển khai thực hiện các nội dung mà Hội nghị đã thông qua.

Bộ Nội vụ cho biết sẽ ưu tiên việc triển khai thực hiện "Tuyên bố ASEAN về tăng cường sự thích ứng của nền công vụ đối với các thách thức mới", trong đó từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tập trung phát triển đội ngũ lãnh đạo có khả năng thích ứng cao để đảm đương vai trò xây dựng chính sách và quản trị tốt, ứng phó kịp thời và hiệu quả đối với các thách thức và môi trường đang thay đổi, tận tụy vì lợi ích của người dân ASEAN.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
ACCSM21: Tiền lương là nhân tố đặc biệt quan trọng để giữ chân nhân tài
ACCSM21: Tiền lương là nhân tố đặc biệt quan trọng để giữ chân nhân tài

Ngay sau Hội nghị Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21 (ACCSM 21), chiều 5/8, Bộ Nội vụ tổ chức Họp báo thông tin về kết quả Hội nghị và giải đáp những vấn đề báo giới quan tâm. Thứ trưởng Nội vụ Vũ Chiến Thắng, Phó Trưởng ban Tổ chức Hội nghị ACCSM 21 chủ trì Họp báo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN