Thúc đẩy các nỗ lực chung, đồng bộ của Cộng đồng ASEAN
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, thế giới và khu vực ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, chưa từng có, do sự bùng phát của dịch COVID-19 gây ra. Toàn thế giới ghi nhận hàng triệu ca lây nhiễm, hàng chục ngàn người đã mất đi sinh mạng do dịch bệnh. Đời sống kinh tế, xã hội của hàng trăm quốc gia đang bị đảo lộn.
Tại khu vực Đông Nam Á, dịch bệnh đã lan đến toàn bộ các quốc gia thành viên ASEAN với tổng số ca lây nhiễm là hơn 14.000, có 493 ca tử vong. Dịch bệnh cũng tác động đến nền kinh tế các nước ASEAN, nhất là các ngành kinh doanh dịch vụ, vốn chiếm đến 30% tổng GDP của ASEAN, gây gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Nhiều người dân đứng trước nguy cơ bị mất việc làm, an sinh xã hội bị thách thức. Nhiều hoạt động của ASEAN kể từ đầu năm 2020 đã phải tạm hoãn hoặc lùi thời gian tổ chức, trong đó có Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN, trên tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy các nỗ lực chung, đồng bộ của Cộng đồng ASEAN trong ứng phó dịch bệnh. Sau khi tham vấn với các Nhà Lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN ngày 14/2, khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của ASEAN để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.
Hội đồng Điều phối ASEAN, gồm các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tổ chức hai phiên họp ngày 20/3 và ngay sáng 9/4 để trao đổi về các biện pháp phối hợp và hợp tác trong ASEAN cũng như với các Đối tác ứng phó dịch bệnh. Trong kênh y tế, ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát, các cơ chế ứng phó dịch bệnh khẩn cấp của khu vực ASEAN và với các Đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (các nước +3) đã được khởi động ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát. Các Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng phụ trách du lịch… của ASEAN đều ra Tuyên bố và thống nhất các biện pháp hành động chung để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.
Phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng đã thúc đẩy việc thành lập và tổ chức cuộc họp đầu tiên của Nhóm công tác liên ngành cấp quan chức cao cấp (cấp Thứ trưởng) với sự tham gia của các cơ quan liên quan ASEAN vào ngày 31/3 để thống nhất khuyến nghị về các bước triển khai phối hợp và hành động tiếp theo trong ASEAN.
Trên cơ sở các khuyến nghị của Nhóm công tác liên ngành, tại cuộc họp lần thứ 25 của Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì sáng 9/4, các Bộ trưởng Hội đồng Điều phối ASEAN đã nhất trí với khuyến nghị của Nhóm và sẽ trình những khuyến nghị này lên Lãnh đạo Cấp cao. Các khuyến nghị này tập trung vào ba khía cạnh: Kiểm soát, ngăn ngừa lây lan của dịch bệnh; hỗ trợ người dân các nước ASEAN chịu tác động của dịch bệnh, trong đó có hỗ trợ lãnh sự cho công dân ASEAN sinh sống, làm việc và học tập ở các quốc gia thành viên của nhau và ở các nước thứ ba; giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh.
Nhiều đề xuất cụ thể, thiết thực đã được xem xét như khả năng lập Quỹ hợp tác chung của ASEAN ứng phó COVID-19; lập kho dự trữ vật tư y tế thiết yếu để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp trong bối cảnh dịch bệnh; lập mạng lưới các chuyên gia y tế công cộng của ASEAN và với các Đối tác để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm soát, điều trị các ca bệnh; ngăn chặn tin tức giả mạo, sai lệnh, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng khu vực; đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ các nhu yếu phẩm và vật tư y tế cần thiết cho người dân; hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch bệnh; xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh... Các nước ASEAN cũng nhấn mạnh sẽ tăng cường đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, cùng chia sẻ các nỗ lực và nâng cao khả năng tự cường, thích ứng hiệu quả trước các thách thức của dịch bệnh, giữ vững đà hợp tác ASEAN và vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách này.
Tại Hội nghị của Hội đồng Điều phối ASEAN, các Bộ trưởng cũng nhất trí kế hoạch tổ chức các Hội nghị Cấp cao đặc biệt của ASEAN và Cấp cao đặc biệt giữa ASEAN với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3) về Ứng phó dịch bệnh COVID-19 theo hình thức trực tuyến vào ngày 14/4. Hội nghị sẽ do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch ASEAN+3 chủ trì. Dự kiến, các Nhà Lãnh đạo sẽ thông qua hai văn kiện quan trọng là: Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN và Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN+3 về Ứng phó dịch bệnh COVID-19; qua đó, khẳng định cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của ASEAN và các nước ASEAN+3 trong ngăn ngừa và loại bỏ các nguy cơ của dịch bệnh đe dọa cuộc sống người dân, ổn định tình hình kinh tế-xã hội các quốc gia thành viên.
Hỗ trợ, đoàn kết ngăn chặn dịch bệnh
Ngay sau khi thông báo một số nội dung quan trọng về Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN và ASEAN+3, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc đánh giá những hợp tác của Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với ASEAN trong phòng chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết: “Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai cường quốc kinh tế lớn nhất trên thế giới. Các nước đều nhìn vào Hoa Kỳ và Trung Quốc với hy vọng hai nước sẽ phát huy được vai trò, tiềm lực của mình để hỗ trợ không chỉ ở trong nước mà cho cả thế giới trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19. Cũng với nhận thức như vậy, Việt Nam rất ủng hộ việc Hoa Kỳ và Trung Quốc phát huy vai trò cường quốc trên thế giới. Việt Nam cũng đã hợp tác ngay từ đầu với Hoa Kỳ và Trung Quốc trong nỗ lực của mình.
Trong khuôn khổ ASEAN, Trung Quốc là nước đầu tiên, sau đó là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) là những đối tác mà ASEAN có các cuộc họp đầu tiên trong nỗ lực chung này. Đây vừa là hy vọng, vừa là nỗ lực của các nước ASEAN nhằm củng cố quan hệ đối tác với Hoa Kỳ, Trung Quốc. Đến nay, chúng tôi cũng nhận được những cam kết rất mạnh mẽ của Trung Quốc, Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ, đoàn kết với ASEAN để ngăn chặn dịch bệnh”.
Liên quan đến kế hoạch và cách thức tổ chức các cuộc họp trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nêu rõ: “Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, chúng ta đã phải lùi thời điểm tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 và Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN-New Zealand dự kiến vào ngày 8-9/4 tại Đà Nẵng đến cuối tháng 6/2020. Đến nay, do không thể dự báo là bao giờ dịch bệnh này sẽ kết thúc nên chúng ta vẫn phải có phương án dự phòng. Chúng tôi không loại trừ khả năng sẽ phải tiến hành các cuộc họp trực tuyến. Trên thực tế, thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức một số cuộc họp trực tuyến. Trên thế giới cũng đã có các cuộc họp trực tuyến của các nhà lãnh đạo cao cấp như G20. Đến ngày 14/4 tới, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc họp lãnh đạo cấp cao ASEAN và cuộc họp đặc biệt của lãnh đạo ASEAN+3. Đây là những cách làm phù hợp trong thời điểm dịch này. Nếu phát huy được tốt, các cuộc họp cấp cao hoàn toàn có thể sử dụng biện pháp họp trực tuyến”.