Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh cho biết: Bắc Giang có hơn 445.000 trẻ em. Từ đầu năm 2015 đến ngày 30/6/2019, tỉnh đã giải quyết 98 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 61 trẻ em bị xâm hại tình dục (9 trẻ em bị mang thai); 1 trẻ em bị mua bán; 35 trẻ em bị các hành vi xâm hại khác, 1 trẻ em bị bạo hành.
Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em thường có quan hệ quen biết, thậm chí thân thiết với gia đình nạn nhân. Cơ quan chức năng của tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 20 vụ, 21 đối tượng; khởi tố 71 vụ, 76 bị can; chuyển cơ quan quân đội 1 vụ, 1 đối tượng; đang xác minh 1 vụ; tạm đình chỉ 5 vụ. Đối với những vụ việc này, các cấp đã áp dụng nhiều biện pháp can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, đảm bảo các vụ án được can thiệp, xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được thường xuyên, liên tục. Việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được rộng khắp; công tác thanh, kiểm tra chưa được thường xuyên; chia sẻ thông tin giữa các vụ việc xâm hại trẻ em giữa các sở, ngành còn hạn chế.
Các đại biểu thảo luận, làm rõ các vấn đề liên quan đến quá trình xét xử các vụ án xâm hại trẻ em; xác định hành vi xâm hại trẻ em; nguyên nhân chủ yếu, cơ bản dẫn tới các vụ xâm hại; hiệu quả công tác tuyên truyền; việc xử lý, kỷ luật chủ tịch xã, huyện khi để xảy ra những vụ tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em nghiêm trọng; trách nhiệm quản lý nhà nước theo Luật Phòng, chống xâm hại trẻ em; bố trí ngân sách cho công tác chăm sóc trẻ em…
Nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng số vụ xâm hại trẻ em đầu năm 2019 trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng (20 vụ). Về vấn đề này, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, sở dĩ số vụ xâm hại trẻ em 6 tháng đầu năm 2019 tăng là do các cấp phát hiện kịp thời nhiều vụ xâm hại trẻ em và có những vụ xảy ra từ năm trước nhưng đến năm 2019 mới phát hiện ra. Nguyên nhân cơ bản dẫn tới các vụ xâm hại trẻ em là do sự xuống cấp của đạo đức xã hội, do một số trẻ em còn thiếu sự giáo dục, chăm sóc của gia đình.
Đại diện tỉnh Bắc Giang và các sở, ngành cho rằng: Thực tế có một số vụ, đối tượng xâm hại trẻ em ở tuổi vị thành niên, là những người thân thiết trong gia đình nên rất khó xử lý do chưa có khung hình phạt và gia đình cố tình che giấu. Các chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại trẻ em còn nhẹ, không đủ sức răn đe, gây bức xúc dư luận.
Tỉnh Bắc Giang kiến nghị, Quốc hội nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tăng mức xử phạt hành chính hành vi bạo lực đối với trẻ em; chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp như: Bổ sung thời hạn giám định, thời gian đưa đi giám định, cơ chế kiểm soát chất lượng giám định. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn Giám sát đánh giá, tình hình xâm hại trẻ em ở tỉnh Bắc Giang không quá phức tạp. Tuy nhiên, do kinh tế phát triển, đô thị hóa, sự xuống cấp đạo đức xã hội nên diễn biến tình hình vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng và tiềm ẩn nguy cơ xâm hại trẻ em rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện kinh tế, việc làm; tác động từ mạng xã hội với những thông tin xấu, độc hại; đồng thời do nhận thức của bộ phận cán bộ, nhân dân về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Về mặt chủ quan là do quản lý nhà nước, an ninh trật tự chưa tốt, cơ chế, chính sách pháp luật có những thiếu sót, xử lý chưa kịp thời, nghiêm khắc đối với các vụ vi phạm.
Đánh giá cao cố gắng của tỉnh Bắc Giang trong phát triển kinh tế - xã hội và công tác an sinh xã hội, bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị: Bắc Giang cần nghiên cứu xây dựng nghị quyết chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em đúng đối tượng, đảm bảo thực chất, mỗi đối tượng ở mỗi khu vực phải có hình thức tuyên truyền phù hợp, trong đó ba đối tượng cần tập trung tuyên truyền là gia đình, nhà trường và cộng đồng, những nơi có nguy cơ cao. Tỉnh cũng cần bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Về những kiến nghị của tỉnh, Đoàn Giám sát ghi nhận đầy đủ và sẽ tổng hợp trình Quốc hội.