Thực tế, nhiều vụ việc bị lôi ra ánh sáng lâu nay đã cho thấy, phía sau một vị “quan tham”, có không ít bóng dáng của một cơ số người thân, trực tiếp thì là vợ con, gián tiếp thì là anh em, họ hàng. Những trường hợp một người làm quan kéo theo “cả họ làm quan”, những trường hợp “đứng hộ tên nhà, tên tài sản” không hề ít và không cá biệt; những trường hợp “đi cửa sau" với "quan bà", "quan con” cũng có nhiều thông lệ.
Câu chuyện về nguyên Thứ trưởng Bộ Thương Mại cũ (nay là Bộ Công Thương) Mai Văn Dâu và con trai, Mai Thanh Hải, xảy ra từ năm 2004; nhưng đến giờ vẫn là một bài học cho người làm lãnh đạo trong việc dung túng, để “quý tử” ăn chơi sa đoạ, lợi dụng chức quyền của mình và của bố để “chạy hạn ngạch dệt may”, dẫn tới mắc tội lừa đảo, nhận án 5 năm tù. Bản thân Mai Văn Dâu cũng nhận án 14 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong vụ việc này, vợ của Mai Văn Dâu cũng không “ngoài cuộc”!
Cũng là chuyện của Bộ Công Thương, đó là việc con trai của ông Vũ Huy Hoàng, người đã từng là Bộ trưởng Bộ này, được bổ nhiệm làm lãnh đạo Công ty Sabeco, dù không có năng lực và bất chấp quy định ở Luật Doanh nghiệp.
Việc “vợ quan, con quan, người nhà quan” vụ lợi bằng chức vụ, quyền hạn của người nhà, sống xa hoa, sa vào tệ nạn, vi phạm pháp luật… không phải là quá phổ biến, nhưng cũng là những con sâu không hề ít “làm rầu nồi canh”. Tình trạng cậu ấm, cô chiêu dùng thuốc lắc, quậy phá, đua xe… cũng đã xảy ra nhiều. Nó khiến xã hội có một cái nhìn rất xấu, gần như là một sự “ác cảm cố hữu” với “gia đình quan chức”. Quan trọng hơn, nó còn biến thành lý do để các thế lực thù địch công kích, chia rẽ dân tộc.
Như chia sẻ của một đại biểu Quốc hội, tình hình hiện nay cho thấy đã có những diễn biến xã hội tác động xấu trong các lĩnh vực, ảnh hưởng đến chồng, vợ, con của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, việc đặt ra quy định này của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là “trúng đích”, đã nhìn nhận được những vấn đề cốt lõi; rằng việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức lối sống là vô cùng quan trọng, và khi sinh hoạt trong đời sống xã hội, cán bộ cấp cao cũng phải gương mẫu, tiêu biểu, để làm tấm gương tốt cho các vị trí cán bộ khác.
Và cũng vì vậy, quy định này là lời nhắc nhở “đích danh”, để những người nắm giữ vị trí chủ chốt của Đảng, của Nhà nước biết nhìn nhận lại mình, biết “tu thân, tề gia” để có thể “trị quốc” và “bình thiên hạ”. Bởi, vợ con, người thân của họ cũng không thể làm những điều sai trái, bê tha, nếu như bản thân người làm lãnh đạo nghiêm minh, liêm khiết, giữ vững đạo đức của mình; không tham nhũng, không nhận hối lộ, không vụ lợi.
Tôi nhớ tới câu chuyện khi xe tang đưa cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang về quê nhà, hàng xóm của gia đình ông ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, Ninh Bình; đã chia sẻ với phóng viên: Chủ tịch nước nghiêm lắm, lần nào về cũng thấy ông dạy bảo người thân, con cháu; ai làm sai là ông mắng ngay. Người đứng đầu Đảng, Nhà nước hiện nay, cũng chính là một tấm gương sáng ngời về lối sống "cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư". Một người bạn từng kể về Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với những tình cảm trân quý nhất, rằng ông không bao giờ tác động để làm gì có lợi cho gia đình, người thân của mình. Khi con ông ra trường, có bạn bè của ông đưa hồ sơ đưa sang xin việc ở Văn phòng Chính phủ (VPCP), nhưng Chủ nhiệm VPCP khi đó từ chối vì chưa đủ điều kiện, do thiếu thời gian công tác thực tế. Khi biết chuyện, ông không những không tác động để con được vào làm việc, mà còn cảm ơn người không tiếp nhận.
Nêu gương ở ngay người đứng đầu của đất nước, của ngành, của địa phương, đơn vị… bằng việc giữ thân trong sạch, luôn tự răn mình là "phận mỏng cánh chuồn" để biết mình cần "vuông tròn" cho đúng lẽ của người lãnh đạo vì nước, vì dân.
Chúng ta vẫn hay dùng thành ngữ “nhà có phúc” cho những gia đình con cái ngoan ngoãn, không hư hỏng, đua đòi. Nhưng không thể chỉ nói theo cách đó là “nhà có phúc”-bởi cái phúc phần ấy, tất cả cũng là do đã “tu thân, tề gia” mà có được; do đã ngày ngày tâm niệm việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức lối sống, chuẩn mực trong cách sinh hoạt trong đời sống xã hội.
Người làm lãnh đạo, vì thế không chỉ nêu gương cho cán bộ, nhân viên của mình; mà trước hết, phải nêu gương cho chính gia đình, người thân. Không chỉ biết nghiêm với cấp dưới, đồng nghiệp; mà trước hết phải biết "khuôn phép" với chính những người thân cận kề của mình. Không để người thân, vợ con, anh em có thể lợi dụng, ỉ lại vào chức vụ, vị trí của mình mà làm càn, mà gây tiếng xấu, mà vi phạm pháp luật, đạo đức.
Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương, vì vậy, thật sự là “trúng đích”. Người dân trông đợi vào kết quả nêu gương của từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương trong quá trình đưa quyết định này vào cuộc sống.