Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng và nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, Chủ nhiệm đề tài, đồng chủ trì Hội thảo.
Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã tập trung làm rõ cơ sở lý luận và pháp lý về nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, đặc biệt là về nội dung mới “dân thụ hưởng”, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả phương châm này theo hướng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đang đặt ra và phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện yếu tố “dân thụ hưởng”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng, với tư cách là một liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là chủ thể đại diện bảo vệ quyền được thụ hưởng một cách chính đáng, hợp pháp của nhân dân bằng việc tham gia có trách nhiệm với Đảng, Nhà nước trong xây dựng chính sách pháp luật, thể chế hóa đúng đắn, kịp thời quyền thụ hưởng của nhân dân bằng chức năng cơ bản là phản biện xã hội.
Do đó, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường đề xuất cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp; kịp thời kiến nghị với Đảng và các cơ quan nhà nước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến quyền thụ hưởng hợp pháp chính đáng của nhân dân.
Theo ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), muốn phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được triển khai ngày càng hiệu quả, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp triển khai những hoạt động cụ thể tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của mình theo những nội dung đã nêu trong Luật; củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, củng cố Ban Thanh tra nhân dân.
Bàn về giải pháp nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay, ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, cần lồng ghép nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở với nội dung có liên quan của các phong trào thi đua, cuộc vận động như xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tăng cường tổ chức việc tiếp dân, tiếp nhận, tổng hợp khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của nhân dân để chuyển đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; giám sát quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của nhân dân.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu dự Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đánh giá, Hội thảo đã góp phần làm rõ vai trò “nòng cốt” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong phát huy thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Theo đó, để góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần phối hợp với cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương ở mỗi cấp, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân về chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và thực hiện dân chủ; những quy định của pháp luật thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; về quyền làm chủ của nhân dân, nhất là những quyền dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện...
Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội; đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội giúp nhân dân, đặc biệt là bộ phận yếu thế trong xã hội, nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định sản xuất, đời sống, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững.