Chiều 9/1, tiếp tục phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quản lý ngoại thương.
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là phát triển ngoại thương thông qua xúc tiến thương mại (Điều 108) và thông qua hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài (Điều 109).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: CTV |
Về vấn đề này, có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, không quy định tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài trong dự thảo Luật. Loại ý kiến thứ hai đề nghị cần thiết quy định về tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài trong dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban kinh tế ủng hộ việc quy định tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài trong dự thảo Luật. Lý do là bởi dự thảo Luật có quy định phát triển hoạt động ngoại thương thông qua tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, nhưng chưa có quy định cụ thể về việc thành lập và hoạt động của các tổ chức này.
Bên cạnh đó, việc thành lập các tổ chức xúc tiến thương mại ở nước ngoài là cần thiết nhằm thúc đẩy xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu quả,đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tiễn cho thấy tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài bước đầu đóng góp cho sự phát triển hoạt động ngoại thương. Tổ chức xúc tiến thương mại ở nước ngoài không có chức năng hoạt động đối ngoại, có cơ cấu gọn nhẹ, chuyên nghiệp và chỉ có duy nhất chức năng là triển khai, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, theo kinh nghiệm quốc tế, các quốc gia thành công trong hội nhập và phát triển thương mại quốc tế đều thành lập và vận hành hiệu quả hệ thống Văn phòng xúc tiến thương mại ở nước ngoài. Bên cạnh hệ thống các tổ chức xúc tiến thương mại này, các quốc gia vẫn duy trì các đại diện thương mại thuộc biên chế Cơ quan đại diện ngoại giao được đặt tại nước sở tại, tương tự như hệ thống đại diện thương mại thuộc cơ cấu tổ chức của Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hiện nay.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị UBTVQH cho phép chỉnh lý quy định phát triển ngoại thương thông qua xúc tiến thương mại (Điều 108) và bổ sung một điều mới (Điều 109) quy định phát triển hoạt động ngoại thương thông qua hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài, theo hướng quy định về nguyên tắc Nhà nước khuyến khích các hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế thành lập, tham gia tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài.
Đối với các tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài thuộc Bộ Công Thương, được thành lập theo đề án được Bộ Nội vụ thẩm định, Thủ tướng phê duyệt phù hợp với chiến lược phát triển ngoại thương của Việt Nam trong từng thời kỳ và phải đảm bảo hiệu quả trong hoạt động.
Tuy nhiên, cho ý kiến về nội dung này, nhiều thành viên UBTVQH cho rằng, ở thời điểm hiện tại chưa nên quy định trong luật về tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, hiện nay nước ta đã có tham tán thương mại, được điều chỉnh bởi Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời có các Đại sứ đại diện cho Việt Nam ở nước ngoài trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, văn hóa... Do đó, trước hết cần tiếp tục phát huy vai trò của các hoạt động xúc tiến thương mại như hiện nay, đồng thời, có nghiên cứu, tổng kết đầy đủ về hiệu quả của các hoạt động này, từ đó đưa ra đánh giá, kiến nghị cụ thể.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, đây là luật về quản lý Nhà nước, nếu đưa nội dung về tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài sẽ phức tạp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu thực tế, trước đây nước ta có tổ chức tham tán thương mại tại các nước, một số nơi có thêm văn phòng, hoặc trung tâm xúc tiến thương mại... Một số tổ chức hoạt động chưa thật sự hiệu quả. Hơn thế nữa, hoạt động của những tổ chức này chưa được tổng kết, nên chưa có cơ sở vững chắc để đánh giá xem đã nên luật hóa chưa.