Nhiều địa phương trong cả nước đã tạm dừng hoạt động các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán bar, các khu vực tập trung đông người… Nhiều tổ chức giáo hội đã có văn bản chỉ dẫn cụ thể đến chức sắc, đồng bào có đạo dừng tất cả nghi lễ, sinh hoạt tôn giáo, góp phần ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.
Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng cho biết, Ban Tôn giáo Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo giáo hội các tôn giáo luôn hưởng ứng tích cực và sẵn sàng đồng hành với chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, có dấu hiệu ngày càng tăng, tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng chưa được phát hiện kịp thời. Ý thức tự giác của một bộ phận quần chúng, người có đạo chưa cao. Một số cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo vẫn đông người đến cầu nguyện, hành lễ… gây nguy cơ lây nhiễm cao và khó khăn cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trước những diễn biến tình hình và yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch, ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt các biện pháp thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị lãnh đạo các tổ chức tôn giáo phát huy những việc làm tích cực, hữu ích, tiếp tục hướng dẫn các tổ chức tôn giáo trực thuộc, các cơ sở thờ tự, dừng ngay các hoạt động tôn giáo tập trung đông người. Trường hợp lễ buộc, lễ trọng thật cần thiết, không tổ chức tập trung quá 20 người, giữ khoảng cách 2 mét/người và đeo khẩu trang, các thiết bị y tế cần thiết khác để phòng dịch. Việc này được triển khai từ 0 giờ ngày 28/3, thời gian duy trì tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh, cho đến khi Chính phủ có chỉ đạo tiếp theo.
Ban Tôn giáo cũng đề nghị lãnh đạo các tổ chức tôn giáo kiểm tra, rà soát nhanh các chức sắc, chức việc, người thuộc tôn giáo mình có nguy cơ lây nhiễm cao, có các biểu hiện ho, sốt, khó thở… để phát hiện sớm, kịp thời báo cáo với cơ quan y tế và chính quyền địa phương để tổ chức theo dõi, điều trị và cách ly. Các tổ chức tôn giáo vận động và chỉ dẫn người dân hạn chế di chuyển, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết; không tổ chức tiếp tế cho người thân ở các cơ sở cách ly tập trung; không phân biệt đối xử đối với các trường hợp đã hoàn thành việc cách ly y tế trở về địa phương hoặc do công việc phải đến các khu vực có nguy cơ mắc COVID-19, thực hiện tốt khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Cùng với đó, lãnh đạo các giáo hội tiếp tục vận động nhân dân ở địa phương rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang đúng cách, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh nghi có các biểu hiện nhiễm bệnh; không mua bán tiếp xúc, chuyên chở các loại động vật hoang dã; không đầu cơ tích trữ lương thực, thực phẩm để đẩy giá, tăng giá; tăng cường sử dụng phương tiện công nghệ thông tin, liên lạc từ xa phục vụ sinh hoạt tôn giáo; tiếp tục vận động và huy động sự ủng hộ kinh phí, vật chất, nhu yếu phẩm… để đồng hành cùng chính quyền phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.