Quốc hội (QH) là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Báo chí Cách mạng Việt Nam vừa là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, vừa là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Giữa QH và báo chí luôn hiện hữu một mối quan hệ đặc biệt.
Từ tuyên truyền bầu cử Quốc hội
QH có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt. Điều đó cũng đòi hỏi những người trúng cử, tham gia Quốc hội phải gánh vác trọng trách lớn lao, nhận sự ủy thác của toàn Đảng, toàn dân, họ được giao sứ mệnh quan trọng để thực hiện trọng trách đó.
Phóng viên TTXVN tác nghiệp tại Quốc hội. Ảnh: An Thành Đạt |
Trong các kỳ bầu cử QH, báo chí góp phần không nhỏ vào sự thành công của ngày hội toàn dân. Các phương tiện thông tin đại chúng thường bám sát tiến độ bầu cử; mở các chuyên mục "Tiến tới bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp"; "Tìm hiểu Luật Bầu cử đại biểu QH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND các cấp"; "Ý kiến cử tri"; Cập nhật tiểu sử tóm tắt những người ứng cử đại biểu QH (ĐBQH); Cập nhật lịch tiếp xúc và vận động bầu cử; Tuyên truyền về vận động bầu cử, diễn biến và kết quả bầu cử.
Trong tuyên truyền bầu cử, điều quan trọng đặt ra cho báo chí là cần thông tin bảo đảm đúng luật, công bằng, dân chủ; động viên được mọi tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ, ý thức tự giác đi bầu, phải làm sao thật sự là ngày hội của toàn dân. Để cho các cuộc “hiệp thương” về nội dung và phương thức tiến hành cuộc bầu cử QH, đảm bảo tiến trình dân chủ, nhà báo phải tham dự các cuộc “hiệp thương” đó nhằm đưa tin một cách khách quan, trung thực về ý chí và nguyện vọng của nhân dân được thể hiện trong các cuộc “hiệp thương”.
Rồi đến việc tiếp xúc cử tri của ứng cử viên, thực chất là cuộc vận động bầu cử được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí đưa tin khách quan, đảm bảo công bằng giữa các ứng cử viên, để bầu ra các ĐBQH đủ đức, đủ tài để gánh vác trọng trách và xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
Đến phản ánh toàn cảnh các vấn đề xã hội
Trong bối cảnh hiện nay, báo chí đã tập trung tuyên truyền quyết tâm chính trị lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân là ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, phòng ngừa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhiều cơ quan báo chí đã thực sự đi trước, định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận xã hội; thể hiện sự nhạy bén, tỉnh táo, trách nhiệm trước nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Từ việc thông tin cảnh báo, báo chí đã phác họa được toàn cảnh tình hình, cung cấp những thông tin dữ liệu cho các cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách. Báo chí còn thể hiện bản lĩnh trong phản biện, trong tranh luận có lý lẽ, khoa học và giàu tinh thần xây dựng.
Báo chí là kênh thông tin giúp ĐBQH đưa ra những quyết định đúng đắn, nhất là đối với những vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau như: Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh; Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; các vấn đề Vinashin, Vinalines, bôxít Tây Nguyên... Một số thông tin trên báo chí là nguồn tham khảo rất quý cho các đại biểu QH khi chất vấn các thành viên Chính phủ như: Người dân vượt sông Pô Kô (tỉnh Kon Tum) bằng cách đu trên dây cáp; cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng ở một số tỉnh... Riêng dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh trị giá 56 tỷ USD, ngoài ý kiến phản biện của các ĐBQH, còn có ý kiến phản biện mạnh mẽ từ các cơ quan báo chí. Do đó, QH đã cân nhắc và cuối cùng không thông qua.
Đưa tin kịp thời diễn biến hoạt động của Quốc hội
Báo chí đã thông tin tương đối toàn diện hoạt động của QH qua các hình thức: Kỳ họp Quốc hội; hoạt động của Ủy ban Thường vụ QH, của Hội đồng Dân tộc; các ủy ban của QH, của các đoàn ĐBQH và các ĐBQH. Nhiều nội dung hoạt động của QH được báo chí thường xuyên cập nhật, phản ánh với tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, từng bước đáp ứng mong đợi của người dân. Những báo cáo, dự án, nội dung quan trọng QH thảo luận đều được báo chí đưa tin nhanh và cơ bản là đưa chính xác. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH đối với thành viên Chính phủ đã thu hút sự quan tâm của người dân.
Chiều ngược lại, thông tin từ báo chí giúp ĐBQH có thêm tư liệu để nắm bắt hơi thở cuộc sống một cách toàn diện hơn, có thêm lập luận để tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân chính xác, kịp thời hơn. Từ thông tin báo chí, ĐBQH cũng có thể truyền tải những thông điệp của mình tới các đối tượng, qua đó xây dựng hình ảnh của mình trước công chúng. Báo chí cũng là công cụ để giúp ĐBQH thực hiện trách nhiệm giải trình; giúp người dân hiểu rõ hơn về hoạt động của người đại diện cho mình và đó cũng là cách để cử tri giám sát lại các ĐBQH. Báo chí đăng tải những ý kiến, những phản ứng của các vị ĐBQH, của cử tri đối với việc trả lời chất vấn của các bộ trưởng. QH là diễn đàn lớn nhất đất nước, lại nhận được sự hỗ trợ của diễn đàn báo chí, sức cộng hưởng và độ lan tỏa rộng khắp của hai diễn đàn này sẽ đưa các vấn đề mà QH cần giám sát đến đích nhanh hơn nhiều lần, đáp ứng nhanh nhạy hơn lợi ích của quốc gia và của cử tri.
Báo chí có tầm quan trọng đặc biệt đối với các hoạt động của QH, tuy nhiên hiện nay vẫn còn có việc một số ĐBQH ngại tiếp xúc với báo chí. Nguyên nhân là, các đại biểu chưa có nhiều kỹ năng trong tiếp cận và làm việc với báo chí. Từ kinh nghiệm hoạt động của mình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của QH Lê Như Tiến cho rằng: “Đừng bao giờ nói không với báo chí, bởi lẽ nhà báo cần mình có nghĩa là công chúng đang cần mình, dư luận xã hội đang cần mình”. Báo chí có sứ mạng chung là phản ánh và thúc đẩy xã hội, vì vậy, tạo môi trường cho báo chí phát triển và hội nhập là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.
Tăng cường mối quan hệ giữa báo chí với Quốc hội
Báo chí đã và đang trở thành kênh phản biện có ý nghĩa, giá trị đối với các hoạt động của QH nói chung và của kỳ họp QH nói riêng. QH tạo điều kiện thuận lợi nhất cho báo giới trong việc tiếp cận các nguồn tin. Ngược lại, báo giới có trách nhiệm truyền tải thông tin một cách trung thực, chính xác. Qua báo chí, nhân dân được tham gia nhiều hơn vào hoạt động của nhà nước, góp phần đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Thông qua báo chí, QH và ĐBQH nắm bắt thêm nhiều vấn đề của thực tiễn cuộc sống, nguyện vọng của cử tri; cũng như thấy được những vấn đề nổi lên trong việc thực hiện các chính sách để đưa ra những quyết định giám sát kịp thời và đúng đắn. Còn khi một vấn đề được QH đưa ra giám sát thì với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông, vấn đề đó được phổ biến rộng rãi, tạo thành dư luận xã hội đối với các cơ quan bị giám sát. Như vậy, tính đại chúng của báo chí và vai trò đại diện của QH ở phương diện nào đó là gặp nhau. Do đó, các ĐBQH có thể sử dụng sức lan truyền của báo chí để nối dài, truyền thêm xung lực cho những công cụ giám sát khác.
Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH: Truyền thông là phương tiện để xây dựng hình ảnh của ĐBQH, là đầu mối dẫn dắt các ĐBQH đến các vấn đề đang đặt ra của cuộc sống, phục vụ tốt hoạt động chất vấn. Báo chí còn là nơi cung cấp nhiều thông tin, tri thức cho các ĐBQH, là công cụ tác động lên xã hội của ĐBQH, lên việc soạn thảo chính sách của Chính phủ. Nhà sử học Dương Trung Quốc lại cho rằng: Báo chí là “chỗ dựa” để các chính sách của Đảng, Chính phủ trở nên toàn vẹn hơn nhưng báo chí cũng là “tai mắt” của nhân dân. Chính với nhiệm vụ “tai mắt” của nhân dân, các thông tin đến với người dân một cách chính xác đã tạo áp lực xã hội để các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc.
Trong mối quan hệ giữa báo chí với QH, các phương tiện thông tin đại chúng cần chủ động, sáng tạo trong lĩnh vực thông tin - tuyên truyền, đóng góp tích cực vào định hướng dư luận, tăng cường niềm tin trong nhân dân với Đảng, Nhà nước và con đường phát triển đất nước. Thông tin trên báo chí phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của nhân dân và phải nhằm tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội.
Trần Tiến Duẩn