Báo chí là cầu nối giữa lãnh đạo với công chúng

Ngày 5/5, Thông tấn xã Việt Nam và Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức hội thảo khoa học về đề tài cấp quốc gia do Thông tấn xã Việt Nam thực hiện "Thông tin báo chí với công tác lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế - lý luận và phương pháp nghiên cứu". Tham gia thực hiện đề tài và hội thảo là các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học và hoạt động thực tiễn báo chí đến từ Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Ngoại giao…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gian trưng bày các ấn phẩm báo chí của Thông tấn Xã Việt Nam tại Hội báo Xuân Ất Mùi 2015. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN


Hầu hết các ý kiến trong hội thảo đều khẳng định đề tài đã “chạm” đến một chủ đề hay, rộng lớn, tầm vóc và có ý nghĩa quan trọng không chỉ về mặt lý luận mà còn mang giá trị thực tiễn cao. Đề tài một mặt khẳng định vị trí, vai trò của thông tin trong công tác lãnh đạo, quản lý, mà hơn thế nữa còn làm rõ cơ sở lý luận, kinh nghiệm thực tiễn và đánh giá đúng vai trò của thông tin báo chí phục vụ công tác lãnh đạo quản lý ở Việt Nam. Đồng thời, đề tài cũng dự báo sự phát triển và gia tăng vai trò của thông tin báo chí, từ đó đề xuất những phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thông tin báo chí, chất lượng khai thác thông tin báo chí phục vụ lãnh đạo và quản lý của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ mới, thời kỳ đổi mới toàn diện và hội nhập sâu vào quá trình toàn cầu hóa.

Với hơn 30 tham luận cùng ý kiến của các nhà quản lý, các nhà khoa học, hội thảo đã trở nên sôi nổi, vượt ra ngoài ranh giới của một vấn đề khoa học khô cứng. Các ý kiến không chỉ đánh giá được tầm quan trọng, tính cấp thiết của đề tài trong bối cảnh hiện nay, mà còn đưa ra rất nhiều góp ý nhằm kiện toàn và đẩy nhanh tiến trình hiện thực hóa đề tài trong thực tiễn hoạt động báo chí cũng như trong hoạt động lãnh đạo, quản lý.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho rằng: Đây là một đề tài có ý nghĩa quan trọng, vừa có tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn. Nếu giải quyết tốt những vấn đề đặt ra trong đề tài này sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển báo chí, định hướng phát triển báo chí cũng như xác định những nội dung, công việc mà báo chí cần thực hiện trong thời gian sắp tới. Mặt khác, đề tài cũng xác định được vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý, lãnh đạo đối với vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí. Đặc biệt là mối quan hệ tác động qua lại giữa báo chí với các cấp lãnh đạo, quản lý và các cấp lãnh đạo,.

Xoay quanh mối quan hệ giữa báo chí và nhà lãnh đạo, tìm kiếm tiếng nói chung cũng như tạo sợi dây liên kết bền chặt hơn giữa hai lực lượng quan trọng này, trong báo cáo đề dẫn hội thảo, Giáo sư - Tiến sĩ Dương Xuân Ngọc, nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: Trong hoạt động lãnh đạo, quản lý không thể thiếu thông tin, trong đó có thông tin báo chí truyền thông. Sẽ không thể có quyết định lãnh đạo, quản lý đúng, trúng khi không đủ thông tin và càng không thể nói không có thông tin. Thông tin không chỉ là điều kiện cần mà từ lâu đã trở thành nội dung của các quyết định đúng... Thông tin chính là sức mạnh mềm, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động lãnh đạo, quản lý.

Tham luận tại hội thảo, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Đình Xây nhấn mạnh: Đề tài này thực chất là nói đến mối quan hệ giữa chính trị và báo chí. Chính trị nên chủ động đi trước cung cấp thông tin kịp thời, định hướng thông tin. Mặt khác, báo chí đồng trách nhiệm với chính trị. Báo chí phải tham gia đấu tranh xã hội. Báo chí phải giữ vững tôn chỉ mục đích để giúp chính trị có định hướng xã hội tốt hơn.

Các đại biểu tham dự hội thảo nhấn mạnh báo chí nước ta đang có vai trò rất quan trọng trong đời sống chính trị xã hội, đồng thời cũng ở vào giai đoạn nhạy cảm, vừa có những cơ hội lớn, vừa đứng trước nhiều thách thức lớn, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và đang tiếp tục hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. 

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí cần được thực hiện thông qua hệ thống pháp luật về báo chí và công tác quản lý nhà nước về báo chí. Đó cũng chính là đòi hỏi khách quan của việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về báo chí để đáp ứng yêu cầu phát huy bản chất cách mạng của báo chí nước ta trong tình hình mới. Tình hình thế giới đang có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những bất ổn khó lường. Những thuận lợi, khó khăn của tình hình trong nước cùng xu thế toàn cầu hóa thông tin và sự bùng nổ của truyền thông xã hội tác động trực tiếp đến hoạt động báo chí và công tác quản lý báo chí. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan chủ quản, nỗ lực của các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo, báo chí nước ta đã thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của mình, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới đất nước. Trong tình hình đó, đề tài khoa học này càng mang tính cấp thiết hơn bao giờ hết.

Nguyễn Thắng

Quy hoạch báo chí đã lấy ý kiến các bộ, ngành
Quy hoạch báo chí đã lấy ý kiến các bộ, ngành

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết: Quy hoạch báo chí là văn bản cá biệt, đã lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan chủ quản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN