Cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí... là những xu hướng trên báo chí số mà các cơ quan, đơn vị báo chí của Việt Nam đã, đang theo đuổi, nhằm bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ trong truyền thông của thế giới.
Chuyển đổi số là tất yếu
Các cơ quan báo chí đều sớm hiểu rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí, còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, chuyển đổi số là con đường đi của cả nước và báo chí không nằm ngoài xu thế này. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi. Đó là thay đổi về công nghệ nói chung, công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả nên không còn con đường nào khác là số hóa, chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là con đường tất yếu của tất cả các cơ quan báo chí nếu không muốn bị "đào thải," cần chủ động thay đổi, hợp tác với các cơ quan truyền thông khác để tạo chỗ đứng, vị thế trong làng báo chí công nghệ.
Thạc sỹ Vũ Hồng Thúy, báo Pháp luật Việt Nam cho rằng các cơ quan báo chí dù lớn hay nhỏ đều có nhu cầu tự thân phải chuyển đổi để thích ứng với những thay đổi ngày càng nhanh chóng của công nghệ làm báo.
Chuyển đổi số không chỉ khiến cho độc giả của báo chí thay đổi mà mô hình hoạt động của các tòa soạn cũng thay đổi. Tuy nhiên, có một thực tế là, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là vấn đề con người và tư duy.
Trong số hơn 800 cơ quan báo chí tại Việt Nam hiện nay, có tới 90% được tính là các cơ quan báo chí vừa và nhỏ. Các báo có quá trình hình thành, phát triển với những đặc thù nhất định về cơ sở vật chất là tổ chức bộ máy nhân sự đan xen giữa cũ và mới, giữa tư duy làm báo cũ và cách thức làm báo theo công nghệ mới, giữa đội ngũ nhà báo kỳ cựu, có tuổi và những phóng viên trẻ... Làm thế nào để dung hòa giữa phương thức tác nghiệp cũ và mới tại các cơ quan báo chí vừa và nhỏ trước nhu cầu chuyển đổi số hiện nay là vấn đề mà nhiều cơ quan báo chí đang phải đối mặt.
Hướng tới nền báo chí số sáng tạo
Tính đến cuối năm 2021, số lượng cơ quan báo chí tại Việt Nam có phiên bản điện tử là 259/816 (báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử là 230; báo chí điện tử độc lập (không có bản in) là 29); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata...
Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: Cá nhân hóa nội dung; Đa nền tảng; Báo chí di động; Báo chí xã hội; Báo chí dữ liệu; Báo chí sáng tạo; Siêu tác phẩm báo chí. Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như: Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV hay VietnamPlus, VnExpress, Zing...
TTXVN đầu tư rất sớm cho phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ báo chí. Hiện tại toàn bộ các đơn vị sản xuất tin nguồn của TTXVN được trang bị hệ thống phần mềm tác nghiệp dùng chung do TTXVN đầu tư phát triển và giữ bản quyền. Các đơn vị tòa soạn của TTXVN cũng đã thực hiện tin học hóa toàn bộ quy trình sản xuất. Nhiều công nghệ về điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng tại TTXVN (dù quy mô còn nhỏ) như Chatbot thông minh, nhận dạng tiếng nói, tổng hợp tiếng nói, nhận dạng hình ảnh...
Hay như báo điện tử VnExpress ngay từ khi thành lập đã xác định vai trò không thể tách rời, có tính chất quyết định của công nghệ trong hoạt động đặc thù của loại hình báo chí điện tử. Việc áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu, ngữ cảnh và Machine Learning (máy tự học) đã giúp tối ưu hóa nhân lực, tăng tốc độ xuất bản nội dung, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, trực quan...
Một số báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi như: Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Nghệ An, Thanh Hóa... Tuy nhiên, số lượng những đơn vị thực sự ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, phát hành trên cả nước vẫn còn khá khiêm tốn.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số không chỉ đơn giản số hoá nội dung đưa lên nền tảng số, hay nâng cao mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, mà còn là đưa công nghệ số vào vận hành, thay đổi mô hình kinh doanh cũng như cách thức tổ chức hoạt động của một tờ báo.
Xây dựng mô hình hoạt động trên nền tảng số, báo chí và người làm báo càng phải phát huy khả năng thích ứng và sáng tạo vô tận, nhằm bắt kịp những thay đổi của xu thế chung. Báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ nhưng vẫn phải đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội, phản ánh trung thực dòng chảy chính để tạo niềm tin và đồng thuận xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy khát vọng, tạo sức mạnh tinh thần phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế-xã hội trong nước, nhưng cũng đem lại cơ hội tăng tốc chuyển đổi số quốc gia. Với tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển đất nước bắt kịp với xu thế của thời đại, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh "chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số" các cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công thì vai trò của Nhà nước là rất quan trọng. Không chỉ nằm ở việc tạo hành lang pháp lý cho thử nghiệm các công nghệ mới mà còn ở khâu hỗ trợ xây dựng hạ tầng, nền tảng công nghệ, phân tích xu hướng mạng xã hội, cảnh báo cùng khắc phục sự cố công nghệ thông tin…
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Hà, chuyển đổi số báo chí truyền thông hiện nay ở Việt Nam có nhiều thuận lợi, trước hết là quyết tâm chính trị và chủ trương thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở cấp chiến lược. Tháng 9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 3/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" hướng đến mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: "phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số".
Là cơ quan quản lý báo chí truyền thông cũng như công nghệ thông tin, ngay từ sớm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề ra nhiều giải pháp. Điển hình như việc Bộ đã xây dựng Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí, theo đó hỗ trợ 3 nền tảng giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số: nền tảng Quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số; nền tảng Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần; nền tảng Hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí.
Đồng thời, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Mục tiêu chung của dự thảo Chiến lược là: báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ; phát triển các sản phẩm báo chí số, các nền tảng phân phối nội dung số, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng...