Báo cáo của Đoàn Giám sát đã đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan về kết quả thực hiện, những khó khăn, tồn tại, nguyên nhân và đưa ra những giải pháp để tháo gỡ vướng mắc nhằm triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch thời gian tới.
Quy hoạch phải đi trước một bước
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nhận định, công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: Xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch; triển khai tích cực công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đưa vào vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại những hạn chế. Cụ thể, một số quy định của pháp luật về quy hoạch chưa đồng bộ và không còn phù hợp với thực tiễn, chưa kịp thời được sửa đổi, bổ sung; quy định pháp luật liên quan đến chi phí cho hoạt động quy hoạch, vận hành còn chậm và chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động quy hoạch. Một số quy định về đấu thầu, lựa chọn tư vấn lập quy hoạch được ban hành trước khi có Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công có hiệu lực nên chưa có sự đồng bộ giữa quy định pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đầu tư công và pháp luật về quy hoạch. Việc lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đã được đẩy nhanh tiến độ trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu...
Nhấn mạnh công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng vì muốn có dự án tốt, có nguồn đầu tư tốt, sử dụng hiệu quả đầu tư công và phát triển kinh tế - xã hội thì phải có quy hoạch tốt, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho rằng, quy hoạch phải đi trước một bước. Việc thực hiện tốt công tác quy hoạch cũng nhằm cụ thể hóa một bước Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Luật Quy hoạch năm 2017.
Để hoàn thiện hơn báo cáo giám sát công tác quy hoạch, đại biểu đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Theo đại biểu, công tác quy hoạch muốn thực hiện tốt phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 10 năm tới, bám sát Luật Quy hoạch và các quy định pháp luật có liên quan. Quá trình lập quy hoạch phải bám sát thực tiễn, đánh giá được tiềm năng, lợi thế nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng bộ, ngành và địa phương đồng thời phải đánh giá toàn diện, đầy đủ những khó khăn, thách thức của ngành, địa phương, đơn vị mình, từ đó có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp. Các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên nguồn lực từ ngân sách và các nguồn lực khác cho công tác này.
Đại biểu lưu ý cần xây dựng cơ sở dữ liệu để tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu việc xây dựng quy hoạch vì sự phát triển chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa trong việc phối hợp để nâng cao hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia nhằm kịp thời cập nhật, chia sẻ thông tin để bảo đảm tính công khai, minh bạch; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về quy hoạch.
Lập quy hoạch đô thị căn cứ trên hiện trạng và yêu cầu phát triển
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ sự thống nhất cao với Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, đại biểu Nguyễn Thị Lệ chỉ rõ, trên thực tiễn vẫn còn một số tồn tại, bất cập liên quan tới công tác rà soát quy hoạch; tính liên kết và đồng bộ giữa các quy hoạch chưa được thể hiện rõ, đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. Việc đảm bảo kinh phí cho công tác lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều khó khăn...
Để hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch, đại biểu kiến nghị, các cơ quan Trung ương có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm sự phù hợp giữa các quy hoạch, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị.
Về đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị, đại biểu cho rằng, hiện nay thời hạn lập các quy hoạch này khác nhau. Ví dụ, tại Thành phố Hồ Chí Minh, quy hoạch sử dụng đất được duyệt dựa trên số liệu quy hoạch cũ. Do đó, đại biểu đề xuất lập quy hoạch đô thị căn cứ trên hiện trạng và yêu cầu phát triển của thành phố, quy hoạch sử dụng đất khi lập sẽ dựa trên cơ sở quy hoạch đô thị để đảm bảo sự đồng bộ.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn nội dung mang tính chất khung của quy hoạch cấp trên để quy hoạch cấp dưới, quy hoạch cấp tỉnh tuân thủ, đồng thời có hướng dẫn xây dựng nội dung tích hợp trong quy hoạch tỉnh để các địa phương triển khai thực hiện đúng hướng, hạn chế việc chỉnh sửa nhiều lần trong quá trình lấy ý kiến thẩm định các bộ, ngành đối với quy hoạch.
Để đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, tăng tính khả thi của các đồ án quy hoạch đô thị và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch, đại biểu Nguyễn Thị Lệ kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp về nhà, đất đối với người dân trong khu quy hoạch chưa được thực hiện, hạn chế tối đa, gây ảnh hưởng đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch.
Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch
Nhất trí với nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cho rằng, Báo cáo đã cho thấy bức tranh tổng thể từ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đến việc triển khai việc lập, thẩm định quyết định và phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch theo Luật Quy hoạch năm 2017. Những nhận xét, đánh giá trong Báo cáo đều dựa trên những tài liệu, thực tiễn khách quan đang tồn tại và diễn ra trong quá trình thực thi Luật Quy hoạch.
Đại biểu cũng đồng tình với các kiến nghị về việc ban hành Nghị quyết giám sát, đề ra những giải pháp để tháo gỡ vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật và các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.
Về một số vấn đề cụ thể, đại biểu Nguyễn Hải Dũng chỉ ra những kết quả nổi bật trong việc phối hợp, chia sẻ thông tin. Dẫn ví dụ phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành trong quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch không gian biển, vùng bờ đa dạng sinh học, quy hoạch phát triển điện lực bảo đảm tối ưu giao thông hệ thống thủy lợi, đại biểu nhấn mạnh, chia sẻ thông tin tốt sẽ không xảy ra việc chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy hoạch với nhau nhất là trong xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia.
Chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế làm cho thời gian lập quy hoạch kéo dài, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị, Nghị quyết giám sát cần có giải pháp khắc phục việc hướng dẫn mẫu hóa các nội dung như đề cương, nhiệm vụ lập quy hoạch chưa rõ, thời gian thẩm định, phê duyệt tương đối dài; đồng thời tháo gỡ vướng mắc về quy định các đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ không thể tham gia đấu thầu các gói thầu tư vấn lập quy hoạch do bộ, cơ quan ngang bộ làm chủ đầu tư, trong khi đây là những đơn vị có năng lực, kinh nghiệm, có thông tin và cơ sở dữ liệu tốt nhất...