Cụ thể, một điểm sụt lún tại địa bàn ấp 7 dài 1.010m, hai điểm trên địa bàn ấp 8 dài 560m và 100m.
Hiện nay, UBND huyện U Minh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với UBND xã Khánh Tiến tiến hành khảo sát, cắm biển cảnh báo sụt lún.
Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, trước đó, tại tuyến đê biển Tây đoạn Đá Bạc - Kênh Mới thuộc huyện Trần Văn Thời cũng xảy ra sụt lún với chiều dài 240m và có nguy cơ sụt lún trên 4.000m. Đoạn bị sụt lún được đưa vào sử dụng cuối năm 2018 và vẫn trong thời gian bảo hành. Đoạn này thuộc dự án nâng cấp đê biển Tây từ Tiểu Dừa (giáp ranh với Kiên Giang) đến Cái Đôi Vàm (Cà Mau) dài trên 72 km với nguồn vốn trên 1.690 tỷ đồng.
Trước tình trạng sụt lún nghiêm trọng xảy ra thời gian qua trên địa bàn, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục công trình, dự án phòng, chống thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo đơn vị thi công sớm hoàn thành các hạng mục công trình đối với dự án khẩn cấp khắc phục sạt lở đê biển Tây (bơm bùn, bơm cát, kè rọ đá, kè khẩn cấp...) nhằm đảm bảo ổn định công trình và bảo vệ an toàn tuyệt đối tuyến đê biển trước mùa mưa bão năm 2020.
UBND các huyện Trần Văn Thời và U Minh phối hợp với các sở, đơn vị thi công và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, thống kê, phân loại nhóm đối tượng lấn chiếm xây cất nhà ở trong hành lang bảo vệ đê, có biện pháp xử lý từng đối tượng.
Đê biển Tây Cà Mau dài khoảng 108 km nằm trên địa phận các huyện Trần Văn Thời, Phú Tân và U Minh. Ngoài vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, tuyến đê này còn có nhiệm vụ ngăn mặn để bảo vệ khoảng 26.000 hộ dân với gần 129.000 ha đất sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, đặc biệt khu vực rừng tràm U Minh Hạ. Tuy nhiên, những năm gần đây do chịu tác động bất lợi từ thời tiết, nhất là trong điều kiện hạn hán khốc liệt, tuyến đê thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở, nhiều đoạn phải ban bố tình huống hộ đê khẩn cấp.