Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, đoạn đê biển từ Sông Đốc đến Cái Đôi Vàm được xây dựng kể từ năm 1999-2000 đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do quá trình cố kết vẫn đang tiếp diễn làm cho thân đê bị lún, lệch. Cùng với đó, mặt đê chưa được cứng hóa và lại được tận dụng làm đường giao thông; cao trình đỉnh đê hiện tại toàn tuyến chỉ khoảng từ +1,3m đến +1,6m và chiều rộng mặt đê từ 4,0m đến 6,0m.
Thực trạng nhiều vị trí đê biển Tây bị xuống cấp nghiêm trọng sẽ không thể bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, mùa vụ sản xuất của nhân dân trước những đợt triều cường, nước biển dâng cao. Nếu trường hợp có xảy ra bão, hậu quả sẽ rất khó lường.
Thực tế cũng đã chứng minh, vào ngày 3/8, sóng lớn kết hợp với mưa kèm theo dông lốc và triều cường dâng cao (mực nước đo tại cống Đá Bạc là +1,7m) làm nước biển tràn qua đê biển Tây từ 0,3 - 0,4m, gây sạt lở đặc biệt nguy hiểm cho tuyến đê biển Tây với chiều dài 2.100m và sạt lở nguy hiểm với chiều dài 5.447m. Đê biển Tây có nguy cơ bị vỡ bất cứ lúc nào và sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của hơn 26.000 hộ dân cư ngụ ven biển.
Theo ông Lê văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, việc củng cố, nâng cấp đoạn đê biển từ Sông Đốc đến Cái Đôi Vàm để tuyến đê biển Tây (Cà Mau) được đầu tư hoàn chỉnh là yêu cầu thực tiễn, mang tính cấp thiết và phù hợp với với chủ trương của Chính phủ đối với Chương trình củng cố và nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang.
Việc nâng cấp góp phần phòng tránh những tác động bất lợi từ biển, tạo đà phát triển dải đất ven biển, nâng cao hiệu quả công tác ứng phó với bão, phòng chống xói lở; bảo vệ và phát triển bền vững sản xuất, ổn định đời sống của người dân ven biển, phát triển hệ thống giao thông bộ, đảm bảo an ninh - quốc phòng và khai thác tổng hợp vùng ven biển để thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.