Tại đây, từng thùng mì tôm, nước suối được vận chuyển bằng thuyền nhôm vượt quãng đường dài hơn 200m vào thôn Điền An. Mặc sóng to, gió lớn, đồng mênh mông nước, các đoàn viên vẫn vượt mọi trở ngại để sớm đưa hàng cứu trợ đến với hơn 200 hộ dân, với trên 800 nhân khẩu trong vùng bị cô lập.
Anh Cao Lê Tùng Nghĩa, Phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi chia sẻ, chiều nay sau khi nhận được thông tin có nhiều nơi trên địa bàn tỉnh bị cô lập thì mặc dù thời tiết đang diễn biến phức tạp, trời chập choạng tối nhưng khi thấy người dân đang gặp nhiều khó khăn thì với vai trò xung kích của thanh niên, chúng tôi đã cho triển khai ngay phương án hỗ trợ người dân kịp thời.
Cơn mưa tầm tã vẫn chưa có dấu hiệu ngớt, từng đoàn viên thay phiên nhau tiếp tục lội nước, bê những phần quà mà những nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị khắp nơi ủng hộ đến tận các hộ gia đình trao trực tiếp cho họ. Nhìn những cụ già xúc động khóc, tay run run cầm quà trên tay và không ngớt lời cảm ơn, ai nấy đều quên hết đi những mệt nhọc.
Anh Nguyễn Văn Hội, người dân trong thôn bộc bạch: Mỗi khi mưa lũ về, ở đây bị cô lập liên tục. Nếu các đoàn không đến hỗ trợ kịp thời thì dân chúng tôi đói là cái chắc. Bởi, bốn bề là nước thì không đường nào đi mua thức ăn khi lương thực dự trữ cạn. Nhiều người còn ví, Điền An là “ốc đảo” mùa nước lớn.
Được biết, đây là đoàn cứu trợ đầu tiên về với vùng lũ. Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi Đặng Minh Thảo cho hay, trong thời gian đến, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ những khu vực bị cô lập còn lại ở huyện tư Nghĩa, Bình Sơn. Cùng với đó, ngay sau khi lũ rút, Tỉnh đoàn sẽ huy động lực lượng đoàn viên thanh niên triển khai phương án hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Tại huyện Nam Đông, do mưa lớn đã làm cho đèo La Hy đoạn qua xã Hương Phú bị sạt lở nhiều đoạn. Tại huyện A Lưới có 6 điểm sạt lở trên tuyến QL 49 và các tuyến đường liên thôn, cầu Chai 1, 2 thuộc xã Đông Sơn tiếp tục bị sạt mái taluy và sạt mố cầu. Trên tuyến ven biển, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 và mưa đặc biệt lớn đã làm sạt lở, xâm thực bờ biển trên tổng chiều dài hơn 10km gồm các đoạn bờ biển qua xã Quảng Công, huyện Quảng Điền; thị trấn Thuận An, xã Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải, Vinh Thanh (huyện Phú Vang) và xã Vinh Hải, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc).
Trong đó, sạt lở nặng nhất đoạn qua xã Phú Thuận, huyện Phú Vang với chiều dài hơn 2km; đoạn qua xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc dài hơn 2,5km. Bờ biển đoạn qua thôn 4, xã Vinh Hải sóng đã đánh trôi một phần khối lượng xử lý khẩn cấp của các năm 2014, 2016 với chiều dài khoảng 200m; có nguy cơ mở cửa biển mới, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất vụ Đông Xuân năm 2017 - 2018, ảnh hưởng đến tuyến đường Tỉnh lộ 21 và các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Trong 2 ngày 4-5/11, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát lệnh vận hành điều tiết hồ thủy điện Bình Điền; vận hành điều tiết hồ Tả Trạch và vận hành điều tiết hồ thủy điện Hương Điền theo hướng vừa bảo đảm an toàn hồ đập vừa trành gây đột biến, gây ngập lụt cho vùng hạ du. Hiện tại, trên tuyến biển sóng đánh mạnh, triều cường dâng cao từ 0,5-0,7m nên mặc dù đập Thảo Long (cuối nguồn sông Hương) mở hết 15/15 cửa; đạp Cửa Lác (hạ nguồn sông Bồ) mở hết 70/70 cửa, nhưng nước vẫn thoát chậm; đây là nguyên nhân làm cho nước các con sông lên nhanh.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 20.859 hộ bị ngập lụt; trong đó có 1.559 hộ, 6.154 khẩu vùng thấp trũng thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và thành phố Huế đã được di dời đến nơi cao ráo. Thị xã Hương Trà có 1.500 ngôi nhà bị ngập với độ sâu từ 0,3 - 1m; có 215 hộ với 778 khẩu ở vùng xung yếu, nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn. Huyện Phú Lộc có 234 hộ, 1.082 khẩu; huyện Phong Điền có 404 hộ, 1578 khẩu di dời đến nơi an toàn; huyện Phú Vang có 140 nhà dân bị ngập từ 0,1 - 0,3m; huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thấp trũng di dời 72 hộ/248 khẩu đến nơi ở an toàn.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức ứng trực 24/24 giờ, nhất là vào ban đêm; triển khai phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, vùng thấp trũng đến nơi an toàn. Các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát, cảnh báo các lều trại, khu vực nuôi trồng thủy sản trên đầm phá; đảm bảo an toàn giao thông, bảo đảm an toàn lưới điện, thông tin liên lạc; dự trữ lương thực, thực phẩm, mì ăn liền và các nhu yếu phẩm khác để ứng phó với lũ lớn kéo dài...
Nhà của người dân xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) bị tốc mái. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN |
Bốn địa phương của tỉnh Khánh Hòa học sinh sẽ nghỉ học do mưa bão
Chiều 5/11, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, sở đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo 4 địa phương là: Thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh, huyện Khánh Vĩnh cho học sinh nghỉ học thêm hai ngày thứ 2 (6/11) và thứ 3 (7/11). Trước đó, do dự báo tình hình cơn bão số 12 diễn biến nghiêm trọng, Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 3/11.
Đây là những địa phương bị thiệt hại nặng sau cơn bão 12 gây ra, nên chưa thể tổ chức dạy và học ngay. Sở cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các phòng Giáo dục và Đào tạo còn lại chủ động cho học sinh nghỉ học đến khi khắc phục được hậu quả do bão gây ra và ổn định tình hình. Hiện nay, các trường đang tích cực huy động đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và các lực lượng hỗ trợ để khắc phục thiệt hại.
Theo ghi nhận ban đầu tại các trường trực thuộc sở quản lý, hầu hết phòng học và nhà hiệu bộ đều bị tốc mái do bão, trong đó gần như 100% trường học tại thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh bị tốc mái (tỷ lệ hư hại do tốc mái từ 40% đến 50%), hệ thống trần nhà, khu hiệu bộ bị hư hỏng khoảng 70%. Nhiều trường học bị sập nhà xe học sinh, giáo viên; sập tường rào; hệ thống cây xanh gãy đổ; phòng thiết bị, phòng vi tính bị ngấm nước.
Thống kê sơ bộ thiệt hại sau bão của các phòng Giáo dục và Đào tạo như sau: thành phố Nha Trang ước tính khoảng 45 tỷ đồng, huyện Vạn Ninh 45 tỷ đồng, thị xã Ninh Hòa 37 tỷ đồng, huyện Khánh Sơn có 10 phòng và thành phố Cam Ranh có 6 phòng bị tốc mái và sập trần nhà… Đối với các trường Trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên… ước tính tổng thiệt hại ban đầu khoảng 10 tỷ đồng.
Sở cũng yêu cầu các trường tiếp tục kiểm tra, rà soát toàn bộ tình hình của đơn vị sau bão, bao gồm những thiệt hại về người, tài sản, cơ sở vật chất; đồng thời,báo cáo cụ thể thống kê thiệt hại và tổ chức khắc phục ở mức cao nhất các hư hỏng về cơ sở vật chất.
Chiều 5/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình về việc xin Trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục khẩn cấp thiệt hại do bão số 12 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của người dân và nhiều lĩnh kinh tế, xã hội của tỉnh.
Theo đó, cơn bão số 12 đã đổ bộ trực tiếp vào đất liền tỉnh Khánh Hòa từ 4 giờ sáng ngày 4/11 với sức gió cao nhất đạt cấp 12, giật cấp 15 kèm theo mưa lớn với lượng mưa lên đến 200mm đã gây ra thiệt hại nặng nề về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Toàn tỉnh có 27 người chết, 5 người mất tích, 89 người bị thương; trên 10.000 căn nhà bị sập và hư hỏng; 3.826 ha diện tích lúa bị ngập và 6.258 ha diện tích hoa màu các loại bị ngập, hư hại; 44.320 lồng và 3.270 bè nuôi thủy hải sản bị trôi hoàn toàn; nhiều công trình thủy lợi, giao thông, điện, thông tin liên lạc, trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan và cơ sở hạ tầng kỹ thuật hư hỏng nặng nề... Tổng thiệt hại ước tính trên 7.000 tỷ đồng.
Những thiệt hại do bão số 12 gây ra trên địa bàn tỉnh vừa qua là quá lớn, số liệu thiệt hại nêu trên chỉ mới được thống kê ban đầu và có thể lớn hơn khi có số liệu tổng hợp chính thức. Để kịp thời khắc phục hậu quả, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo chính quyền các địa phương và các sở, ban, ngành khẩn trương tổ chức khắc phục. Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ tổng số 2.855 tỷ đồng cho công tác khắc phục hậu quả bão số 12. Trong đó hỗ trợ 25.000 tấn gạo và nhiều cơ số thuốc cho công tác phòng chống địch bệnh ở người và gia súc, gia cầm; về kinh phí hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp 255 tỷ đồng. Trong khi đó, tỉnh Khánh Hòa xác định mức đầu tư khắc phục, sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi, công trình sạt lở cần 1.600 tỷ đồng; khắc phục, sửa chữa các công trình thủy lợi bị sạt lở 400 tỷ đồng; khắc phục, sửa chữa các công trình giao thông 1.200 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa hư hỏng các công trình y tế, trường học, các trụ sở cơ quan, các công trình hạ tầng kỹ thuật 1.000 tỷ đồng...
Đối với số lượng nhà của nhân dân bị sập và hư hỏng khá lớn, dự kiến cần khối lượng vật tư để sửa chữa, xây dựng lại công trình nhà cửa, tỉnh Khánh Hòa đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, và các tổ chức xã hội kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp chung tay giúp sức cùng với tỉnh để khắc phục kịp thời các thiệt hại do bão số 12 gây ra cho tỉnh Khánh Hòa.