Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh): Phải tính đến hiệu quả trả nợ
Trong tái cơ cấu nền kinh tế, tôi nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty. Đồng thời chúng ta phải có chính sách quyết liệt và phù hợp để phát triển kinh tế tư nhân, giúp khắc phục nợ xấu và cải cách lại đầu tư công và đẩy mạnh hiệu quả đầu tư công. Tôi đề nghị có Ban Chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế và có sự tham gia của Quốc hội; thậm chí do Quốc hội chủ trì với lực lượng nòng cốt là Chính phủ, đặc biệt có sự tham gia của các định chế tư vấn độc lập và các chuyên gia kinh tế độc lập. Như vậy mới đáp ứng được nhu cầu.
Vấn đề của nợ công mà chỉ nói chưa đạt tới trần Quốc hội cho phép là chưa đầy đủ. Vấn đề của nợ công là chúng ta sử dụng các khoản vay đó như thế nào? Vì sao có khoản nợ ấy và việc trả nợ như thế nào. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải tính đến hiệu quả, hợp lý và khả năng trả nợ. Khả năng trả nợ tác động vào tăng trưởng hàng năm vào nền kinh tế, doanh nghiệp và xã hội.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh): Đẩy nhanh cổ phần hóa
Trong đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế có tái cơ cấu đầu tư công. Nhưng tôi quan tâm là tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Theo tôi đang vướng ở chỗ cổ phần hóa, mà cụ thể là vấn đề thoái vốn. Vấn đề cổ phần hóa phải chờ thị trường là điều không nên. Chúng ta đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa cho dù thị trường hiện nay như thế nào vì các nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội, nhìn thấy tương lai mới mua cổ phiếu đó. Còn nếu doanh nghiệp lỗ thì dù thị trường chứng khoán phục hồi thì cổ phiếu đó cũng không bán được giá cao. Tốt nhất là ngăn chặn khoản lỗ để lấy chi phí đó, như là chi phí cơ hội làm việc khác hiệu quả hơn. Tư tưởng thoái vốn nhưng bảo toàn vốn sẽ rất khó làm được.
Xuân Minh
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai): Doanh nghiệp gian nan tái cơ cấu
Để tái cấu trúc, doanh nghiệp cấp tỉnh phải lập đề án đi qua nhiều cấp thẩm định từ các sở, ngành, địa phương đến cấp Trung ương. Trong khi đó ở địa phương lại không có ban chỉ đạo để xử lý nên doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian. Khi các đề án tái cấu trúc doanh nghiệp đã được Trung ương xem xét, phản hồi lại doanh nghiệp lại một lần nữa thông qua các ngành ở địa phương báo cáo. Từ đó dẫn tới việc chậm trễ, nhiều vấn đề cấp thiết đã không được triển khai ngay. Mặt khác, trong quá trình thực hiện đã có những qui định chưa đồng bộ. Trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, các doanh nghiệp thoái vốn ở những dự án lớn phải đưa ra đại hội cổ đông. Nếu có 10% cổ đông không đồng ý thì việc thoái vốn đó cũng khó có thể thực hiện ngay được, nên doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn.
Viết Tôn