Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thu, chi ngân sách, tính hợp lý trong cơ cấu chi đầu tư và chi thường xuyên, hay cân đối phân bổ ngân sách để chi hỗ trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu là những vấn đề được các đại biểu quan tâm. Xung quanh nội dung này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu bên lề Quốc hội.
Đại biểu Y Biêr Niê (Đoàn Đắc Lắk): Thay đổi tích cực trong cơ cấu chi ngân sách
Năm 2020, việc bố trí ngân sách, nhất là phân bổ ngân sách Trung ương cho các địa phương đã bảo đảm các tiêu chí và thứ tự ưu tiên phù hợp. So với các năm trước, năm 2020, có sự thay đổi cơ bản với tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển cao hơn, giảm dần chi thường xuyên. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ căn cứ theo chỉ tiêu, kế hoạch của Quốc hội đề ra.
Hiện nay, trên cơ sở tinh giảm biên chế và cắt giảm bộ máy, chúng ta đã dần điều tiết được một phần cơ cấu chi, từ đó tăng nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, chi cho an sinh xã hội là việc phải được ưu tiên và tính toán kỹ lưỡng.
Trong phần chi cho đầu tư phát triển, chúng ta đang tập trung cho phát triển mạng lưới giao thông và cơ sở thiết yếu phục vụ phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh. Ví như ở Tây Nguyên đang tập trung vào các hồ, đập để trữ nước, phục vụ sản xuất… Tôi cho rằng, Chính phủ đã có sự cân đối phù hợp.
Ngoài phân bổ chi cho đầu tư phát triển có mục tiêu, còn có những khoản chi đột xuất như: thiên tai, dịch bệnh... Nói theo cách khác việc phát sinh không thể lường trước và Trung ương luôn có nguồn dự phòng (khoảng 10%) trong tổng ngân sách hàng năm dành cho các khoản này.
Hiện nay, Chính phủ điều tiết hiệu quả nguồn dự phòng này và trong trường hợp đột xuất việc phân bổ chính thức còn được dành cho cả hệ thống y tế để chủ động xử lý các vấn đề cấp bách phát sinh trong công tác quản lý, điều hành.
Năm 2021, trong bối cảnh các địa phương khu vực miền Trung đang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, chúng ta tiếp tục bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ bảo trì, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đê điều, hồ đập..., với số tiền dự kiến khoảng 34,5 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách để xử lý các vấn đề cấp bách nêu trên.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Tăng tiết kiệm chi thường xuyên
Theo phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021, dự kiến hụt thu ngân sách khoảng 170 nghìn tỷ đồng so với năm 2020. Dù vậy, chúng ta vẫn phải bảo đảm cho các khoản chi đầu tư không bị cắt giảm, còn phần hụt thu ngân sách cần được tính vào phần tiết kiệm chi thường xuyên.
Năm 2021, tiếp tục phải thực hiện việc cắt giảm những khoản chi thường xuyên như: hội họp, công tác… giống như năm 2020. Đây là cách làm đúng của Chính phủ để tiết kiệm nguồn chi thường xuyên trong giai đoạn này.
Năm 2021, đối với chi đầu tư nên ưu tiên cho các dự án đang giải ngân chưa kết thúc, chưa hoàn thành; hạn chế các dự án chưa phê duyệt thiết kế để tránh trường hợp khi phân bổ vốn vào những dự án này rồi kéo dài, chậm tiến độ. Tôi cho rằng, hướng quản lý chi đầu tư cho những dự án như vậy là phù hợp, đặc biệt đẩy mạnh chi đối với vốn vay ODA khi tỷ lệ giải ngân vốn này trong năm 2020 rất ít cũng như nợ công đang xuống thấp.
Ngoài nguồn chi đầu tư và chi thường xuyên, trong dự toán ngân sách, chúng ta vẫn phải dành khoảng 35 nghìn tỷ đồng thực hiện Quỹ phòng, chống dịch và bổ sung khoảng 100 nghìn tỷ đồng vào Quỹ dự trữ quốc gia để bảo đảm nguồn dự phòng khi có sự việc bất thường. Trong bối cảnh chúng ta đang phải đối mặt với dịch bệnh, thiên tai thì việc dự phòng rất cần thiết. Thậm chí, phải chấp nhận bội chi ngân sách năm 2020 và năm 2021 dự kiến cao hơn so với những năm trước đây.
Điều này là tất yếu khi tác động của dịch bệnh, thiên tai làm tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vẫn phải tiếp tục, không chỉ giãn, hoãn các khoản thu mà cả khoản miễn khiến nguồn thu bị thụt giảm, trong khi nhiệm vụ chi tăng lên.