Bí thư không phải người địa phương sẽ xóa bỏ tình trạng cục bộ, lợi ích nhóm

Bí thư không phải người địa phương giải quyết được tình trạng hiện nay đó là cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm. Đồng thời đây là giải pháp khắc phục yếu kém của công tác cán bộ trong thời gian qua.

Một trong những giải pháp đột phá trong công tác cán bộ những năm tới là triển khai nhất quán chủ trương Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh Chủ tịch UBND.  

Bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã chia sẻ về vấn đề này.
 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: TTXVN

Chú trọng tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh

Theo ông Phương, Đề án của Nghị quyết Trung ương 7 về cán bộ chiến lược sẽ chọn được đúng người tài. Thứ hai là giải pháp Bí thư không phải người địa phương giải quyết được tình trạng hiện nay đó là cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm.  Đồng thời đây là giải pháp khắc phục yếu kém của công tác cán bộ trong thời gian qua.  

Ông Phương cho rằng, ở địa phương hiện nay xuất hiện 2 xu hướng. Một là bổ nhiệm sai, tức là người đứng đầu bổ nhiệm mang tư tưởng lợi ích nhóm, cục bộ, bè phái bổ nhiệm người nhà. Xu hướng thứ hai là bổ nhiệm đúng, người nhà, người thân đã được bổ nhiệm từ trước. 

"Bộ Chính trị, Chính phủ cần xây dựng thể chế trong vấn đề bổ nhiệm, đề bạt, chú trọng về tiêu chuẩn hoặc thi các chức danh, như vậy sẽ chọn được người tài.  Thứ hai là những trường hợp con em của cán bộ, có bằng cấp, có đủ tài năng thì hoàn toàn có thể tham gia thi tuyển để không xảy ra tiêu cực. Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng bổ nhiệm sai, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ", đại biểu Phương đề xuất.

Có ý kiến cho rằng, đưa người từ nơi khác về làm Bí thư có thể dễ bị cô lập, đại biểu Phương cho rằng, tình trạng này có thể xảy ra nhưng thời gian qua, nhiều cán bộ Trung ương luân chuyển về các tỉnh và từ các tỉnh khác đều trưởng thành. Vì vậy, không nên cho rằng, cứ cán bộ luân chuyển về địa phương là bị cô lập.

"Vấn đề là người được luân chuẩn có tài năng không, có phát huy được năng lực, phẩm chất đạo đức và trí tuệ không. Nếu như người đó không có bản lĩnh, xuôi chiều theo 1 nhóm nào đó thì sẽ bị cô lập, đó là điều tất yếu xảy ra", đại biểu Phương lý giải.

Về giải phát phát huy hiệu quả trong quá trình luân chuyển Bí thư không phải là người địa phương, đại biểu Phương lưu ý, không nên đưa cán bộ về những địa phương quá xa. Ví dụ như trong miền Trung, miền Bắc thì nên về các khu vực địa hình tương tự. 

"Như thế họ sẽ hiểu về đặc điểm văn hóa, tính cách con người, thuận lợi hơn. Đó là một trong những giải pháp vừa thực hiện được việc luân chuyển nhưng vừa tạo điều kiện cho người được luân chuyển có điều kiện phát huy trong quá trình tổ chức thực hiện", đại biểu Phương khẳng định.

Giám sát chặt về bổ nhiệm cán bộ

Vừa qua, cử tri cũng phản ánh những bức xúc trong bổ nhiệm cán bộ và cử tri muốn biết vai trò của Quốc hội trong vấn đề nàỳ

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết, đồng hành với Bộ Chính trị với Trung ương Đảng, Chính phủ thời gian qua Quốc hội có rất nhiều đóng góp trong vấn đề kiểm soát, giám sát để có những kiến nghị trong vấn đề bổ nhiệm cán bộ và lựa chọn người tài.

"Việc làm cụ thể là trong các đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã tiếp thu lắng nghe những ý kiến của người dân về vấn đề tiêu cực hạn chế của công tác cán bộ từ đó phản ánh bằng văn bản, phản ánh trực tiếp đến Nghị trường Quốc hội trong vấn đề cán bộ và điều động cán bộ", đại biểu Phương cho biết.

Ngoài ra, theo đại biểu Phương, Quốc hội còn tổ chức giám sát trong đó có giám sát chuyên đề về tinh giản biên chế và nâng hiệu quả hiệu lực xây dựng bộ máy Nhà nước từ đó có những kiến nghị. Ngoài ra, Quốc hội cũng có những giám sát trực tiếp thông qua chất vấn và trả lời chất vấn vấn đề cán bộ và những sai sót của cán bộ; những vụ án tham nhũng hiện nay để đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ và Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc.

H.V/Báo Tin tức
Bí thư không phải người địa phương: Nên tổ chức thí điểm
Bí thư không phải người địa phương: Nên tổ chức thí điểm

Bên lề Quốc hội, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, khi bố trí Bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không phải người địa phương cần có chương trình, kế hoạch căn bản, chi tiết: đưa ai đi đến đâu, thời gian bao lâu, rút về thế nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN