Đặc biệt, các đại biểu cần tiếp tục đóng góp cho huyện Đan Phượng hoàn thiện văn kiện Đại hội lần thứ XXIV Đảng bộ huyện, nhất là về tầm nhìn, giải pháp, khâu đột phá nhằm đưa Đan Phượng trở thành quận vào năm 2025.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết: Trong quý I/2020, mặc dù dịch COVID-19 có tác động lớn nhưng kinh tế của huyện Đan Phượng tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 134,347 tỷ đồng (đạt 24,8% dự toán ngân sách thành phố giao). Huyện Đan Phượng tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án phát triển huyện thành quận. Công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở và Đại hội lần thứ XXIV Đảng bộ huyện Đan Phượng được tập trung chỉ đạo, triển khai tích cực, nghiêm túc, đúng tiến độ đề ra.
Để hoàn tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2020 và những năm tiếp theo, huyện Đan Phượng xác định hai khâu đột phá là: Nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Thời gian tới, huyện tập trung thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phát triển kinh tế-xã hội hội, vừa tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19. Huyện tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao ở 6 xã còn lại. Theo đó, đến hết năm 2020, huyện có 100% số xã đạt nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2016-2020.
Tại buổi làm việc, nhấn mạnh Đan Phượng là điển hình của văn hóa xứ Đoài, nhân dân có truyền thống hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, là nơi khơi nguồn phong trào "Phụ nữ ba đảm đang" trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cũng như công tác xây dựng nông thôn mới của huyện trong thời gian qua. Tuy nhiên, dù việc chuyển đổi cây trồng đã cho hiệu quả kinh tế cao nhưng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn nhỏ lẻ, mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả chưa có nhiều. Thời gian tới, huyện cần định hướng phát triển nông nghiệp đô thị.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn khá ấn tượng với hạ tầng đô thị của huyện Đan Phượng, diện mạo khang trang hơn khi “đường có hoa, nhà có số, phố có tên”. Về định hướng phát triển huyện Đan Phượng thành quận, huyện phải có chiến lược lâu dài, nhất là về công tác quy hoạch, phù hợp với quy hoạch chung của thành phố. Ngoài ra, vấn đề cân đối ngân sách, hoàn thiện thể chế, nguồn nhân lực cần được quan tâm chú trọng, tập trung nâng cao thu nhập cho người dân, song song với đó dần thay đổi nếp sống người dân nông thôn, ngày càng văn minh hơn, đáp ứng yêu cầu, cuộc sống cư dân đô thị.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đan Phượng là một huyện vùng ven của Hà Nội, vùng đất giàu văn hóa lịch sử, truyền thống cách mạng, nơi khơi nguồn phong trào "Phụ nữ ba đảm đang" trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Trong những năm qua, kinh tế của huyện có bước phát triển, an sinh xã hội bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nổi bật là công tác xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững cho hiệu quả cao. Thu nhập người dân được cải thiện, công tác y tế, giáo dục được quan tâm, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng. Trong 4 năm qua không có tổ chức cơ sở Đảng nào xếp loại yếu kém, điều này cho thấy sự thống nhất, đoàn kết trong cấp ủy.
Nhận định trong 4 tháng đầu năm 2020, mặc dù có tác động của dịch COVID-19 nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đan Phượng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị huyện cần quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh đó tiếp tục thực hiện tốt các phương án phòng, chống dịch, nới lỏng nhưng không được lơi lỏng. Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Giai đoạn này ngoại thành phải hỗ trợ cho nội thành, bởi ngoại thành có tiềm năng, nguồn lực phát triển hơn như về sản xuất nông nghiệp, đấu giá đất...
Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý trong quá trình xây dựng huyện thành quận cần quản lý chặt chẽ quy hoạch, đất đai, không để xảy ra tiêu cực, làm mất cán bộ, mất ổn định xã hội. Huyện cần xây dựng cán bộ có tầm nhìn, năng lực tốt, tư duy phát triển, không tự thỏa mãn với những gì đã đạt được. Đặc biệt, về vấn đề quy hoạch, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã yêu cầu thành phố lập Ban Chỉ đạo của thành phố nghiên cứu xây dựng quy hoạch chung, không để các quận, huyện tự làm quy hoạch, qua đó góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô xanh, sạch, đẹp, xứng tầm là Thủ đô - "trái tim" của cả nước.
Nhân dịp này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã trao tặng huyện Đan Phượng 5.000 khẩu trang và 15 máy nhiệt kế hồng ngoại để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.