Theo Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải, Thành phố không thực hiện việc phong tỏa trong 2 tuần tới mà tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch.
Cụ thể, Thành phố tiếp tục nâng cao các biện pháp với phương châm “Mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch"; trong đó, chú trọng các giải pháp chính như: Người dân đảm bảo thực hiện quy định về giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở yên đó”, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố - ấp cách ly khu phố - ấp, phường - xã - thị trấn cách ly phường - xã - thị trấn. Thành phố cũng tập trung chăm lo các trường hợp F0, điều trị người có triệu chứng chuyển nặng để hạn chế tỷ lệ người mắc COVID-19 tử vong.
Đặc biệt, Thành phố tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm người dân ở những khu vực “vùng đỏ” trên bản đồ COVID-19, tăng cường tiêm vaccine cho người dân và tiếp tục cung ứng hàng hóa thiết yếu, chăm lo, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn ở các địa bàn dân cư.
Cùng là điểm nóng về dịch COVID-19, tỉnh Bình Dương cũng đang khẩn trương, quyết liệt, nâng cao hơn nữa việc thực hiện nhiều biện pháp khống chế dịch. Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương, số ca F0 những ngày gần đây tại tỉnh tăng cao là do địa phương đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược xét nghiệm diện rộng đợt 2 trong cộng đồng.
Thông báo Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Thuận An và thị xã Tân Uyên nêu rõ: Để tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh, Tỉnh ủy Bình Dương giao Đảng bộ, chính quyền thành phố Thuận An, thị xã Tân Uyên triển khai thực hiện “khóa chặt, đông cứng” ở 4 phường của thành phố Thuận An và 7 phường của thị xã Tân Uyên - những địa phương đang nhiều trường hợp F0, trong vòng 15 ngày để thực hiện xét nghiệm sàng lọc nhanh, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Thời gian triển khai thực hiện bắt đầu từ ngày 22/8 theo nguyên tắc khóa chặt 24/24 giờ, người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở yên đó”, cách ly tuyệt đối “người cách ly người, nhà cách ly nhà”, chỉ có lực lượng làm nhiệm vụ mới ra đường và tiếp cận với người dân. Bên cạnh đó, trong 11 phường cũng vẫn có “nhà xanh”, “điểm xanh” (nhà, điểm an toàn dịch bệnh), do đó các địa phương phải có phương án tổ chức “khóa chặt” những nhà, điểm an toàn này để bảo vệ, không để dịch lây lan.
Có thể thấy, tại các tâm dịch, cả hệ thống chính trị đang tiếp tục nỗ lực cao độ, các lực lượng chức năng từ nhiều tháng qua luôn bền bỉ, vượt nhiều gian khó vì mục tiêu khống chế, kiểm soát dịch bệnh, ưu tiên trước hết cho việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, sớm đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới. Từ nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước, các cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ ngành Y tế vẫn tiếp tục lên đường chi viện cho các địa phương phía Nam chống dịch với tinh thần vượt khó và ý chí quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Ở vùng tâm dịch, nhiều người dân đã trải qua chuỗi ngày khó khăn, chấp nhận, thích nghi với những điều kiện sinh hoạt giản tiện nhất và đối diện với cả nỗi đau mất người thân vì dịch COVID-19. Trước thời điểm thành phố tăng cường thực hiện một số biện pháp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, từ ngày 23/8, tin nhắn động viên và lưu ý từ UBND TP Hồ Chí Minh sẽ được gửi đến từng người dân Thành phố với nội dung như: “Người dân Thành phố an tâm, không thu gom hàng hóa. Người dân vùng có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ được cung cấp lương thực, thực phẩm. Người dân ở vùng an toàn sẽ được đi chợ 1 lần/tuần. Người dân khó khăn sẽ được hỗ trợ các túi an sinh xã hội. Đề nghị người dân không tập trung đông người sẽ dễ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Mong người dân hãy ủng hộ, chung sức cùng Thành phố để cùng vượt qua đại dịch...”.
Đại dịch vẫn rất phức tạp, trong lúc này, để bảo vệ an toàn sức khỏe, mỗi người vì “cuộc chiến” với kẻ thù vô hình là COVID-19 diễn ra dài ngày mà không nản lòng, không hoang mang hay lơi lỏng các biện pháp phòng, chống dịch. Người dân cần bình tĩnh, tiếp tục tin tưởng vào các giải pháp phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng, tự giác phòng dịch, tiêm vaccine theo lịch trình, thông báo tại địa phương, đơn vị; không tin, không chia sẻ, không bình luận những thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật hoặc thiếu thiện chí xây dựng là việc làm rất cần thiết, chính là tiếp tục góp từng “viên gạch nhỏ” tạo bức tường vững chắc, chặn đà lây lan của dịch.