Qua đó, cung cấp căn cứ, bằng chứng về điểm mạnh - yếu, các yếu tố tiềm năng, điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Kết quả đánh giá cho thấy sự phù hợp, tương đồng giữa chỉ số PII 2023 với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Thuộc nhóm dẫn đầu là các địa phương có điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi (tập trung ở vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ), có ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, có nhiều khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng phát triển, có hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ. Ngược lại, thuộc nhóm cuối là các địa phương còn hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên chưa thuận lợi cho phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội (tập trung ở Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc).
Thủ đô Hà Nội dẫn đầu cả nước
Theo kết quả được công bố tại sự kiện, 10 địa phương đạt Chỉ số đổi mới sáng tạo cao nhất cả nước (theo thứ tự từ cao đến thấp) gồm: Hà Nội (62,86), Thành phố Hồ Chí Minh (55,85), Hải Phòng (52,32), Đà Nẵng (50,70), Cần Thơ (49,66), Bắc Ninh (49,20), Bà Rịa - Vũng Tàu (49,18), Bình Dương (48,64), Quảng Ninh (48,03), Thái Nguyên (47,75).
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho biết, dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương là thành phố Hà Nội với 14/52 chỉ số được đánh giá. Trong số này có nhiều chỉ số có ý nghĩa quan trọng trong quá trình đổi mới sáng tạo như: Vốn con người, nghiên cứu và phát triển (63,06); trình độ phát triển của thị trường (77,81); sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ (63,16)…
Bộ chỉ số PII năm 2023 có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột (theo nguyên lý của Bộ chỉ số GII) gồm: 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (thể chế; vốn con người và nghiên cứu và phát triển; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp); 2 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội (sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động).
Dữ liệu phục vụ xây dựng Bộ chỉ số PII 2023 được lấy từ hai nguồn chính là: số liệu thống kê, quản lý nhà nước được công bố chính thức từ các bộ, cơ quan quản lí nhà nước, tổ chức ở Trung ương (39/52 chỉ số); do các địa phương thu thập và cung cấp - kèm theo các tài liệu minh chứng (13/52 chỉ số). Trong giai đoạn thu thập dữ liệu, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nhiều hội thảo, buổi làm việc với các bộ, cơ quan Trung ương để trao đổi thống nhất thu thập dữ liệu từ các cơ quan quản lí nhà nước. Đối với các địa phương, Bộ xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn, tổ chức các buổi trao đổi, tập huấn để thu thập các dữ liệu cũng như cung cấp các tài liệu minh chứng liên quan.
Trong giai đoạn xử lí, phân tích dữ liệu, tính toán chỉ số và xây dựng báo cáo, Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện theo các chuẩn mực quốc tế, sau đó tiếp tục gửi tới chuyên gia quốc tế độc lập (do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới giới thiệu từ năm 2022) để chuyên gia đánh giá độc lập trên nhiều góc độ như phương pháp thiết kế bộ chỉ số, độ tin cậy của dữ liệu, kỹ thuật tính toán…
Các đại biểu dự lễ công bố cho rằng, kết quả đổi mới sáng tạo của mỗi quốc gia hay địa phương là tổng hòa của nhiều chỉ số có tính chất khác nhau. Các bộ chỉ số GII, PII được tính toán tổng hợp trên nhiều chỉ số thành phần nên điểm số chi tiết của các trụ cột, các chỉ số thành phần không chỉ phản ánh mức độ tốt hay chưa tốt mà còn phản ánh đặc điểm của mô hình phát triển dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của mỗi quốc gia/địa phương. Do vậy, cần thận trọng, xem xét tới bối cảnh cụ thể của từng địa phương khi diễn giải kết quả của các trụ cột hay các chỉ số thành phần. Một quốc gia/địa phương có điểm số thành phần nào đó thấp không hẳn là yếu kém mà có thể chỉ là đặc điểm bình thường của quốc gia/địa phương đó.
Trong báo cáo PII 2023, mỗi địa phương có một bảng thông tin tổng hợp trình bày chi tiết số liệu theo từng chỉ số (52 chỉ số), nhóm chỉ số (16 nhóm) và trụ cột (7 trụ cột); 5 điểm mạnh, 5 điểm còn yếu. Trên cơ sở các thông tin chi tiết này, các cấp lãnh đạo có căn cứ khoa học và thực tiễn để xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương mình.
Công cụ giám sát hiệu quả
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, từ năm 2017, Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (gọi tắt là GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố hằng năm đã được Chính phủ sử dụng như một công cụ quan trọng nhằm tham khảo, xây dựng, ban hành các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Ở cấp độ địa phương, tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 30/1/2022, Chính phủ đã phân công Bộ Khoa học và Công nghệ “chủ trì, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các cơ quan liên quan xây dựng Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương; tổ chức đánh giá thử nghiệm tại một số địa phương nhằm đo lường năng lực đổi mới sáng tạo và kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương, đồng bộ với Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam”. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, các cơ quan liên quan triển khai xây dựng bộ chỉ số và tổ chức triển khai thử nghiệm thành công tại 20 địa phương trong năm 2022.
Trên cơ sở đó, tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2022, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức triển khai Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023. Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ đã tích cực, chủ động nghiên cứu, tham vấn ý kiến các chuyên gia, các bộ, cơ quan, các địa phương để hoàn thiện Bộ chỉ số PII năm 2023 và đã tổ chức triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Cuối tháng 12/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai Bộ chỉ số PII năm 2023. Ngày 5/1/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 (Nghị quyết số 02/NQ-CP). Theo đó, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai và công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương hằng năm. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn lực, tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan để thu thập, cung cấp các dữ liệu tại địa phương; đặt mục tiêu cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương hằng năm trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mình.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, đây là tài liệu hữu ích, cung cấp các căn cứ khoa học, thực tiễn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trực tiếp là lãnh đạo các địa phương sử dụng trong xây dựng, thực thi các chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bộ trưởng tin tưởng, đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà đầu tư về môi trường đầu tư và điều kiện nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các địa phương.
Chuyên gia độc lập quốc tế đánh giá cho PII năm 2023, Tiến sỹ William Becker cho rằng, Bộ chỉ số đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế về tính đúng đắn dưới góc độ thống kê và phương pháp luận. Bộ chỉ số nhằm tạo công cụ giám sát hiệu quả, đáng tin cậy để đánh giá về đổi mới sáng tạo cấp địa phương tại Việt Nam.
Để có Bộ chỉ số chất lượng cao nhất, tháng 12/2023, chuyên gia quốc tế độc lập đã tiến hành đánh giá về phương pháp, dữ liệu, kỹ thuật, mô hình tính toán Bộ chỉ số PII năm 2023 của Việt Nam và phát hành Báo cáo đánh giá. Theo đó, Bộ chỉ số PII 2023 đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế về mặt thống kê và phương pháp luận. Quy trình tính toán có các bước rõ ràng và theo sát quy trình của GII, dựa trên các thông lệ tốt nhất được Ủy ban châu Âu, Liên hợp quốc và một số tổ chức quốc tế khác áp dụng. Trong Báo cáo đánh giá, chuyên gia nêu những thay đổi về chỉ số thành phần, cấu trúc chỉ số là điều bình thường sau khi thử nghiệm và sau khi có các phản hồi cho phiên bản đầu tiên được công bố. Chuyên gia cũng khuyến nghị, trong các bản cập nhật tiếp theo, mỗi lần chỉ nên đưa ra những thay đổi nhỏ nhằm đảm bảo tính nhất quán giữa các năm, tránh nhầm lẫn; công bố dữ liệu của các trụ cột, nhóm chỉ số và chỉ số thành phần cùng với điểm số chung của bộ chỉ số; khuyến khích người dùng, các bên liên quan đi sâu khai thác dữ liệu.
Là một trong số ít quốc gia thu nhập trung bình thấp được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới ghi nhận có tốc độ bắt kịp về đổi mới sáng tạo nhanh nhất; tuy nhiên, ở cấp địa phương, nhiều nơi tại Việt Nam còn lúng túng trong việc tham gia thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện chỉ số GII cấp quốc gia. Một trong những lý do là chỉ số GII đánh giá ở cấp quốc gia nên nhiều số liệu thống kê tương tự ở cấp địa phương không có. Ngoài ra, phương pháp đánh giá theo quy chuẩn quốc tế còn mới lạ nên có những điểm không phù hợp với cấp địa phương của Việt Nam. Với PII 2023, các chuyên gia đánh giá về mức độ phù hợp của khung chỉ số, dữ liệu, phương pháp, mô hình tính toán và các phân tích thống kê khác nhằm kiểm tra tính minh bạch của quy trình tính toán, mức độ phù hợp giữa khung chỉ số và dữ liệu, tính chắc chắn, độ nhạy và tính vững của bộ chỉ số. Việc đánh giá cuối cùng của chuyên gia nhằm kiểm tra bộ chỉ số đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế về mặt thống kê và phương pháp luận mới được công bố chính thức.