Ngày 12/5/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký quyết định số /QĐ-BXD Phê duyệt văn kiện hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thực hiện Dự án VKC, thành lập trung tâm chuyên nghiệp thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tiên tiến, góp phần phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, cụ thể hóa các chính sách của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững đến năm 2030 và tăng cường mối quan hệ giữa Việt - Hàn Quốc nói chung, giữa Bộ Xây dựng Việt Nam – Bộ Đất đai, hạ tầng, Giao thông Hàn Quốc nói riêng.
Dự án VKC được triển khai cũng sẽ góp phần đẩy nhanh công tác thực hiện Đề án 950 thông qua việc xây dựng Hướng dẫn về đô thị thông minh tại Việt Nam và các hoạt động tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ về đô thị thông minh.
Ngay sau khi Văn kiện dự án được phê duyệt, nhiều nội dung nghiên cứu đã được các đơn vị phía Hàn Quốc thực hiện, chia sẻ các kinh nghiệm của Hàn Quốc về phát triển đô thị thông minh, so sánh với bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam, bước đầu đưa ra các khuyến nghị bộ chỉ số cho quy trình công nhận đô thị thông minh. Các kinh nghiệm của phía Hàn Quốc đưa ra hướng tiếp cận mới để thí điểm vào một khu vực quy hoạch phân khu đã được đặt ra và bước đầu đã lựa chọn được địa bàn để thí điểm tại Việt Nam.
Mô hình thiết kế Trung tâm VKC đã được các chuyên gia Hàn Quốc phối hợp với phía Việt Nam xây dựng hoàn thiện thiết kế để triển khai đầu tư lắp đặt. Các kết quả nghiên cứu sẽ được tích hợp vào nội dung chương trình và tài liệu đào tạo về đô thị thông minh, triển khai đào tạo bồi dưỡng thí điểm trong năm 2023 cho các đơn vị, địa phương tại Việt Nam.
Năm 2023, cả 4 hợp phần chính của Dự án VKC: Xây dựng hướng dẫn về đô thị thông minh tại Việt Nam; thí điểm lập quy hoạch tổng thể đô thị thông minh; thành lập Trung tâm VKC; tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ và hợp tác đào tạo về đô thị thông minh đều được tích cực triển khai và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Theo bà Phạm Thị Hồng My, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Xây dựng), dự án đạt theo đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, tạo động lực thúc đẩy để hai bên đạt được các những kết quả trong thời gian tiếp theo.
Cụ thể, dự án đã hoàn thành mô hình thí điểm 3D thiết kế, xây dựng khu An Vân Dương – TP Huế trở thành khu đô thị mẫu, điển hình về đô thị thông minh gồm: Giao thông thông minh, an ninh an toàn trong đô thị; đô thị thông minh với năng lượng thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, du lịch thông minh, truyền thông thông minh… Đồng thời, xây dựng Ebook luôn cập nhật nội dung mới, các video giảng dạy về đô thị thông minh tại Việt Nam; hoàn thành từ điển từ ngữ chuyên ngành 800 từ về đô thị thông minh bằng 3 tiếng Anh, Hàn Quốc, Việt Nam.
Dự án đã và đang tiến hành xây dựng Trung tâm hợp tác Việt - Hàn rộng 1.600 m2 tại Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, gồm: Khu triển lãm công nghệ, khu đào tạo có phòng học thông minh, khu vực trải nghiệm công nghệ thông minh 3D, các không gian làm việc, thảo luận, hợp tác trao đổi công nghệ kỹ thuật đô thị thông minh ở Tây Hồ Tây.
Ông Lê Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh: Bộ Xây dựng và Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam sẽ phối hợp thống nhất làm một bộ chỉ số chung cho xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam. Thông qua Dự án VKC sẽ hỗ trợ việc phát triển đô thị thông minh của Việt Nam hiệu quả và bộ chỉ số đô thị thông minh gồm 60 chỉ số phù hợp với điều kiện của Việt Nam, có thể áp dụng cho tất cả các địa phương trên cả nước triển khai thời gian tới.
Việc Việt Nam tiếp nhận nguồn vốn viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Hàn Quốc cho lĩnh vực phát triển đô thị thông minh thông qua Dự án VKC là cần thiết và hữu ích trong bối cảnh Việt Nam đang bước đầu xây dựng đô thị thông minh. Dự án sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, chiến lược phát triển ngành, công tác lập quy hoạch phát triển đô thị trên toàn quốc bền vững thông qua: Xây dựng hướng dẫn về đô thị thông minh và thí điểm áp dụng quy trình công nhận đô thị thông minh; thực hiện thí điểm quy hoạch tổng thể đô thị thông minh; tăng cường năng lực, trao đổi và hợp tác đào tạo công nghệ về đô thị thông minh để tiến tới hình thành được chuỗi đô thị thông minh trên phạm vi cả nước vào năm 2030.