Dẫn chứng về con số điều tra mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy 70% doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa của Việt Nam chưa nắm được về EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng đây là một thực tế khi Việt Nam hội nhập và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Video Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời về việc triển khai thực thi EVFTA và IPA:
Người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng, các DN nhỏ và vừa sẽ gặp thách thức, cần khai thác tốt cơ hội, tập trung vào việc chủ động nghiên cứu, nắm bắt toàn diện nội dung của hiệp định đã ký kết. Đặc biệt trong các chương trình hành động của Chính phủ đã chú ý hỗ trợ DN tiếp cận thông tin, DN cần chủ động tiếp cận.
"Chúng ta có thuận lợi trong cắt giảm thuế quan nhưng đó chỉ là khởi đầu. EU đòi hỏi rất cao về an toàn thực phẩm, nhiều rào cản kỹ thuật… DN cần nghiên cứu để tổ chức chiến lược xâm nhập thị trường, đảm bảo năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu cao của châu Âu để không chỉ có thể tiếp cận thị trường châu Âu mà cả các thị trường khác. Các cơ chế xử lý tranh chấp cũng được Chính phủ rất quan tâm. DN cần tranh thủ tận dụng", Bộ trưởng Bộ Công Thương khuyến nghị với các DN.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Tới đây, các bộ ngành, tổ chức chính trị xã hội sẽ cùng vào cuộc để hướng dẫn DN nắm bắt và thực thi EVFTA.
Đến nay, Hiệp định EVFTA đã có gần 7 năm đàm phán chính thức, nếu tính từ khi khởi động đàm phán là 9 năm. Chia sẻ về những khó khăn mà Việt Nam gặp phải trong quá trình đàm phán EVFTA, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết những khó khăn khi đàm phán về mua sắm Chính phủ có lúc yêu cầu còn cao hơn cả trong Hiệp định CPTPP.
"EU luôn đặt yêu cầu lớn đối với năng lực thực thi của chúng ta về phát triển bền vững như vấn đề an toàn lao động, đánh bắt cá bất hợp pháp… Làm sao có lộ trình linh hoạt để đảm bảo khả năng thực thi, những nội dung đó được EU rất quan tâm. Có giai đoạn đàm phán gặp phải khó khăn lớn nhưng 2 bên đã vượt qua khó khăn để đạt được thỏa thuận", ông Trần Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh thêm về ý nghĩa của EVFTA với Việt Nam. Theo đó, cùng với các hiệp định song phương và đa phương khác, EVFTA tiếp tục tạo nền tảng cơ bản để Việt Nam định hướng chiến lược hợp tác với EU, chiến lược về xuất nhập khẩu bền vững. Trong lĩnh vực thương mại, Việt Nam rất thuận lợi, đóng góp to lớn cho xuất nhập khẩu của Việt Nam.
EVFTA cũng giúp Việt Nam có cơ sở pháp lý quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện cam kết hội nhập. Kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều giữa Việt Nam và EU sẽ đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển nền kinh tế tự chủ, nhất là trong bối cảnh thế giới thời gian tới phức tạp với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ.
Với lĩnh vực mua sắm công được quy định trong EVFTA, ông Trần Tuấn Anh cho biết, đây không phải lần đầu lĩnh vực này được đề cập trong các FTA, trong CPTPP đã đề cập, đó là lĩnh vực mà các đối tác yêu cầu với Việt Nam để chúng ta phải mở cửa thị trường.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Trong các chương trình hành động sắp tới sẽ có các nội dung nội luật hóa về tổ chức thực hiện của các bộ ngành, cung cấp thông tin cho các bộ ngành, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước về các nội dung này.
Tại cuộc họp báo quốc tế, bà Cecilia Malmström, Cao uỷ Thương mại của Liên minh châu Âu cho biết, Chính phủ Việt Nam chỉ tạo ra điều kiện tốt hơn nhưng quyết định cuối cùng vẫn là của DN. DN cần tham khảo cơ hội, tiềm năng đầu tư của các Hiệp định thông qua các Phòng Thương mại, nhưng quyết định điểm nào hấp dẫn để đầu tư thì vẫn là của DN.
Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vũ Đại Thắng cho rằng, chiến lược thu hút FDI thời gian tới sẽ chuyển đổi chiều rộng, chiều ngang sang chiều sâu, đầu tư cho công nghệ, ưu tiên dự án có sự liên kết của DN nước ngoài với DN trong nước mang lại giá trị trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó có tham khảo CPTPP hay EVFTA và IPA.
"Việt Nam sẽ tiếp tục đặt ra các ưu tiên về chuyển dịch khoa học công nghệ, đảm bảo môi trường và an toàn cho người lao động. EU đã có thời gian dài đầu tư vào Việt Nam nên thời gian tới, với EVFTA và IPA thì đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng dự báo.
Chiều 30/6 tại Văn phòng Chính phủ, đại diện Việt Nam và Liên minh châu Âu đã chính thức ký hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sự kiện này là bước tiến lớn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, mang nhiều kỳ vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. Thỏa thuận trong EVFTA sẽ xóa hơn 99% thuế nhập khẩu cho hàng hóa giao dịch giữa hai bên, trong khi phần nhỏ còn lại sẽ nhận ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch.