Năm 2019, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp cải cách quyết liệt hơn, đồng bộ hơn. Xung quanh vấn đề này, bên thềm năm mới, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả đạt được trong cải cách hành chính của ngành tài chính năm vừa qua, đặc biệt là trong lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân như thuế và hải quan?
Xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên trong năm qua, ngành tài chính đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính.
Trong năm 2018, Bộ Tài chính đã thực hiện bãi bỏ 18 thủ tục hành chính và đơn giản hóa đối với 111 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ. Tiếp tục rà soát, đánh giá toàn bộ 987 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tài chính với mục đích hướng tới sự thống nhất, đồng bộ, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính.
Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 176 thủ tục hành chính (Quyết định số 2141/QĐ-BTC ngày 14/11/2018). Dự kiến sau khi thực thi toàn bộ các phương án tại Quyết định số 2141/QĐ-BTC, tổng số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính sẽ giảm còn 839 thủ tục.
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính thời gian qua từng bước được hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm được 536 đầu mối từ các Vụ/Cục thuộc Cơ quan Bộ đến các đơn vị sự nghiệp và các chi cục.
Đồng thời, khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, gắn với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ngay từ khi có chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy cơ quan thuế, Bộ Tài chính đã chỉ đạo dừng việc xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan thuế cấp cục, chi cục, dừng việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp chi cục để thực hiện chủ trương hợp nhất, sáp nhập chi cục thuế thành chi cục thuế khu vực.
Riêng trong lĩnh vực thuế, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc, phối hợp với 50 ngân hàng thương mại đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế và 63 Cục Thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ.
Tiếp tục thực hiện cải cách tổ chức, sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước với mục tiêu từ nay đến cuối năm 2020 đảm bảo giảm tối thiểu 50% tổng số các chi cục thuế hiện có trong hệ thống cơ quan thuế.
Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020.
Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, chuẩn hóa danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu kèm mã số hồ sơ phù hợp với danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Tổng cục Hải quan đã ban hành 36 Quyết định quy định cơ cấu tổ chức của các Chi cục Hải quan, Đội kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương trực thuộc 35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Cục Kiểm định Hải quan. Trên cơ sở đó đã cắt giảm được 239 đội (tổ) thuộc Chi cục Hải quan và đơn vị tương đương, giải thể một số Chi cục.
Tôi cho rằng những kết quả đạt được của Bộ Tài chính trong cải cách hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế và hải quan đã mang lại nhiều lợi ích, tiết kiệm thời gian, công sức của các nhân và tổ chức trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Ứng dụng xây dựng và cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Tài chính đã hạn chế việc tiếp xúc, gặp gỡ giữa cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước, qua đó loại bỏ thái độ nhũng nhiễu, tư duy cửa quyền của một bộ phận cán bộ trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính, mang lại thuận lợi, sự hài lòng cho cá nhân và tổ chức.
Là một bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, với phạm vi quản lý rộng, Bộ Tài chính đã làm như thế nào để có thể thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp cải cách hành chính từ cải cách thể chế, hiện đại hóa quản lý hành chính, đến tổ chức bộ máy…?
Để có thể thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp cải cách hành chính, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã tăng cường chỉ đạo về việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả việc cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, trong đó xác định rõ vai trò của người đứng đầu.
Với vai trò là người đứng đầu đơn vị, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ của công tác cải cách hành chính được giao tại chương trình, kế hoạch hàng năm của Bộ và của đơn vị.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến về cải cách hành chính đến các cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị thuộc bộ và đến người dân, doanh nghiệp. Thực hiện thanh tra, kiểm tra cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính.
Kết quả đạt được hàng năm là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, trách nhiệm thực thi công vụ của công chức, năng lực lãnh đạo điều hành của thủ trưởng đơn vị và là một trong các tiêu chí để bổ nhiệm cán bộ, đánh giá bình xét danh hiệu thi đua khen thưởng cho tập thể và cá nhân.
Năm 2019, Bộ Tài chính sẽ có hành động gì để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập?
Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai cải cách hành chính đồng bộ từ xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách bộ máy hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công… tổ chức thực hiện và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tài chính, đặc biệt trong các lĩnh vực thuế, hải quan và thu được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu cải cách ngày càng cao, để nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, khắc phục những tồn tại, bất cập của nền hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của công cuộc hội nhập quốc tế, trong năm 2019 Bộ Tài chính tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như: tăng cường chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong quán triệt, phổ biến và triển khai các chương trình, kế hoạch cải cách hành thủ tục hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính trong việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong kiểm soát thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính; thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng về quan điểm đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính về kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ.
Bộ tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính đối với doanh nghiệp, tập trung vào việc tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về chính sách thuế, hải quan, chứng khoán, chế độ kế toán, kiểm toán, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính trên cơ sở đảm bảo tôn trọng quyền tự do kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, ổn định, minh bạch, thông thoáng phù hợp với tinh thần Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi 2018.
Rà soát, bổ sung và thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cho phát triển công nghiệp hỗ trợ; đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn;
Đồng thời, thực hiện rà soát và đề xuất các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong đó tập trung vào nghiên cứu giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp; tổ chức thực thi Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các thủ tục hành chính mới, thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, tính toán chi phí tuân thủ của thủ tục hành chính ngay từ khâu dự thảo, xây dựng văn bản quy phạm phát luật có quy định thủ tục hành chính, chỉ ban hành các văn bản quy phạm phát luật sau khi có đánh giá tác động đảm bảo các tiêu chí: tính cần thiết; tính hợp lý; tính hợp pháp và tính toán chi phí tuân thủ của thủ tục hành chính theo đúng quy định của Nghị định 63/2010/NĐ-CP và gắn việc kiểm soát thủ tục hành chính với xây dựng văn bản quy phạm pháp luật…
Xin cảm ơn Bộ trưởng.