Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí liên quan đến đầu tư công mà đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.
Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công
Nhấn mạnh đầu tư công là vấn đề rất lớn và khó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, thời gian qua, Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm, chỉ đạo xây dựng nhiều văn bản, cơ chế, chính sách, quy định nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Trên thực tế, việc đổi mới và phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, triệt để; thay đổi tư duy và phương pháp lập kế hoạch từ ngắn hạn hằng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm; từ điều hành bằng các văn bản dưới luật sang quản lý bằng Luật Đầu tư công cũng như các luật liên quan; từ cơ chế theo dõi tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo sự linh hoạt trong triển khai đã đảm bảo được hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Nhờ kết quả đạt được thời gian qua, những hạn chế cơ bản của thời gian trước đã được khắc phục như đầu tư dàn trải, không có chủ trương, không gắn với mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, không gắn với nguồn vốn, không gắn với khả năng cân đối vốn; đầu tư dàn trải, phân tán, kém hiệu quả, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; ứng trước kế hoạch vốn, không có nguồn để trả...
Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã nêu vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và cần tiếp tục khắc phục, đổi mới như chất lượng và tiến độ trong công tác chuẩn bị đầu tư; đầu tư dự án chưa thực sự cấp thiết, chưa có tầm nhìn trung và dài hạn; tiến độ phê duyệt các dự án giao còn chậm; kế hoạch vốn chi tiết còn chậm; giải ngân chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng "thong thả đầu năm, vất vả cuối năm" vẫn thường xuyên phổ biến; điều chỉnh dự án nhiều lần ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, chậm hoàn thành đưa vào sử dụng. Chất lượng công trình chưa đảm bảo, nhiều công trình, dự án vừa hoàn thành đã phải nâng cấp, mở rộng, nhất là trong các công trình giao thông vận tải...
Vấn đề trọng tâm hiện nay là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công - đóng vai trò hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết nhiều điểm nghẽn về hạ tầng, tăng cường kết nối các hình thức vận tải hạ tầng, chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh giúp phục hồi nhanh nền kinh tế; tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí ngân sách nhà nước...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, giai đoạn 2017-2022, giải ngân của năm thường đạt khoảng 22-26% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Năm 2021 thấp nhất là 22,12%; năm 2019 cao nhất là 26,4%. Triển khai giải ngân cho cả năm có sự biến động rất khác nhau, từ 76,89 - 96,47%. Năm 2020 có tỷ lệ giải ngân cao nhất là 96,47% - cũng là năm cuối kỳ thực hiện kế hoạch trung hạn 2016-2020. Năm cao thứ hai là 2021 với 95,7% - năm tiếp tục thực hiện hoàn thành các dự án của giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị đầu tư cho các giai đoạn 2021-2025. Như vậy, tỷ lệ giải ngân thường tăng dần vào thời điểm cuối năm và cuối kỳ kế hoạch, có xu hướng trở thành quy luật.
"Như vậy, việc nhận định giải ngân nhanh hay chậm cũng cần xem xét đến yếu tố này. Trong cùng một điều kiện và thể chế như nhau, có bộ, ngành giải ngân nhanh, cao; có nơi thấp. Nếu có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và năng lực của ban quản lý dự án, nhà thầu tốt, tiến độ giải ngân cao hơn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tăng cường giám sát việc triển khai giải ngân đầu tư công
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, dự án đầu tư công là một dự án mang tính chất tổng hợp và chịu sự điều chỉnh rất nhiều quy định pháp luật nên để thực hiện được dự án, dự án phải tuân thủ đồng thời nhiều quy định mang tính đa ngành, đa lĩnh vực. Theo đó, nguyên nhân tác động đến giải ngân đầu tư công rất đa dạng và không đồng nhất giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương. Qua công tác theo dõi và giám sát, có thể tổng hợp, phân loại thành nhiều nhóm nguyên nhân như những nhóm nguyên nhân về pháp luật, liên quan đến pháp luật, mang tính thời điểm, nguyên nhân chủ quan, khách quan, có những đặc thù, đặc điểm riêng, tính chất riêng, tập trung vào một số nguyên nhân chính.
Thứ nhất, tiến độ và chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn đầu tư; việc lựa chọn dự án xây dựng danh mục và chuẩn bị đầu tư còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao.
Thứ hai, việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công gặp nhiều khó khăn do hệ thống pháp luật quy định chưa đồng bộ và việc triển khai thực hiện các quy định còn lúng túng vì không chỉ liên quan đến Luật Đầu tư công mà liên quan đến rất nhiều các luật, tùy tính chất của từng dự án như Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu, Bộ luật Lao động, Luật Thuế, Luật Khoáng sản... và các luật chuyên ngành, Luật Điều ước quốc tế, cam kết khác của Chính phủ... "Các khâu này lại không thể thực hiện đồng thời được mà theo từng bộ luật, từng quy trình; xong khâu này mới đến khâu kia nên mất rất nhiều thời gian", Bộ trưởng nêu.
Thứ ba, năng lực quản lý của các cấp, nhất là Ban quản lý dự án chưa đồng đều và có nơi yếu kém, chậm đổi mới, chưa có hiệu quả. Sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số bộ, ngành, địa phương thiếu quyết liệt, thiếu sâu sát và cụ thể, thiếu quyết tâm. Vai trò của người đứng đầu chưa được phát huy; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm. Công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Việc xử lý các vi phạm chậm trễ trong quản lý và sử dụng.
Thứ tư, các yếu tố bất thường khác và đặc thù của đầu tư công. Trong 2 năm vừa qua, dịch COVID-19 tác động mạnh đến việc giải ngân đầu tư công, nhất là vào thời điểm áp dụng cách ly, phong tỏa và giãn cách. Cùng với đó, giá nguyên nhiên vật liệu, cước phí vận chuyển vừa qua cũng tăng cao. Việc huy động các lao động, nhà thầu, máy móc, trang thiết bị cũng bị gián đoạn. Công tác thi công và tích lũy khối lượng thường dồn vào cuối năm để nghiệm thu và phụ thuộc vào tiến độ của hoạt động cũng như tạm ứng. Bên cạnh đó, năm 2022 là năm thứ hai chúng ta triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn mà thực chất là năm đầu tiên vì Quốc hội mới thông qua kế hoạch trung hạn 2021-2025 vào tháng 7/2021 nên từ đầu năm đến nay chủ yếu tập trung vào làm thủ tục và triển khai các dự án của kỳ kế hoạch trước.
Bộ trưởng cho biết: "Trong khi đó, theo các quy định của Luật Xây dựng, các pháp luật liên quan, chúng ta còn phải làm rất nhiều thủ tục về thiết kế, dự toán, điều chỉnh... Tất cả các việc này phải mất từ 6-8 tháng, do đó tiến độ giải ngân khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm".
Về các yếu tố khác như bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, quản lý bền vững khoáng sản, đất đai... ảnh hưởng đến nguyên vật liệu thi công trình, thay đổi vật liệu... Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, các tồn tại, hạn chế nêu trên không thể chỉ được quan tâm giải quyết trước mắt, mà cần được giải quyết căn cơ, lâu dài thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế và thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn này phù hợp với yêu cầu phát triển, không chỉ giải quyết bằng Luật Đầu tư công mà giải quyết thông qua việc sửa đổi các luật khác.
Nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các gợi ý, giải pháp của đại biểu Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm báo cáo Chính phủ và Quốc hội có giải pháp hữu hiệu hơn để trong thời gian tới cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.
Về các giải pháp cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến báo cáo Chính phủ ban hành ngay những quy định nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ các quy định của pháp luật, xây dựng và ban hành các quy định về hành động trước, đặc biệt vấn đề tách giải phóng mặt bằng như nhiều đại biểu nêu; sửa đổi các văn bản quy định của pháp luật liên quan; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xây dựng các chương trình đào tạo; chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý hiệu lực, hiệu quả về đất đai.
"Đặc biệt, tôi rất mong các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy giải ngân đầu tư công ở các bộ, ngành, địa phương cũng như góp ý với Chính phủ về các giải pháp; ủng hộ Chính phủ các giải pháp để khắc phục tình trạng chậm trễ giải ngân đầu tư công lâu nay", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.