Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sáng 19/11 đã có buổi trả lời chất vấn trước các đại biểu quốc hội về các vấn đề nổi cộm của ngành y tế trong thời gian qua. Dưới đây là nội dung của buổi trả lời chất vấn:
Trước tiên chúng tôi xin được trả lời vấn đề liên quan đến ban hành các danh mục bệnh tật do chất độc hóa học dioxin gây ra. Vấn đề này Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh xã hội đã trả lời, tuy nhiên chúng ta sẽ làm rõ thêm. Vấn đề quan tâm đối với chính sách người có công và tham gia kháng chiến cũng như người dân chịu ảnh hưởng của chất độc hóa học màu da cam được Đảng, Nhà nước quan tâm từ rất lâu.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: TTXVN |
Tôi nhớ lại khoảng hai nhiệm kỳ trước Bộ Y tế được giao nhiệm vụ này để xác định danh mục các bệnh tật thì có 3 đồng chí thứ trưởng được phân công và cuối cùng các bộ, ngành đều khẳng định là xác định này vượt quá tầm nhiệm vụ trách nhiệm của ngành y tế để xác định các bệnh tật liên quan đến nhiễm chất hóa học và dioxin. Lúc đó tôi được giao nhiệm vụ có mục đích thôi thúc Hội nạn nhân chất độc da cam nói rằng nếu không làm nhanh thì các nạn nhân sẽ chết.
Cho nên chúng tôi cố gắng quyết tâm họp với các bộ, ngành như Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học công nghệ và Bộ Tư pháp. Các bộ đều thẩm định rằng nếu Bộ Y tế xác định bệnh này gây ra do chất độc hóa học thì không thể có căn cứ khoa học và thẩm quyền.
Vì thế chúng tôi đã thành lập Hội đồng khoa học và họp không dưới 10 lần để ban hành Quyết định số 09 lúc bấy giờ tôi chịu trách nhiệm ký. Tên của nó là ban hành danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học và dioxin chứ không phải là xác định.
Văn bản này kèm theo một loạt các văn bản hướng dẫn để chẩn đoán các bệnh này, giai đoạn đầu để xác định giúp cho các nạn nhân tham gia kháng chiến. Tuy nhiên, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Quốc phòng phải nói rằng muốn xác định được phải có dải băng tần của máy bay không quân Mỹ, dải băng tần của chất độc hóa học thì mới xác định rõ vùng.
Thứ hai, Bộ Tài nguyên môi trường xác định vùng đất có những ca, chẳng hạn như sân bay Phù Cát, sân bay Đà Nẵng, Đồng Nai đấy là nhìn rất rõ, quân đội Mỹ đã phải rõ ràng có trách nhiệm.
Thứ ba, liên quan đến Bộ Khoa học công nghệ xác định hàm lượng chất độc đó ở trong đất. Bộ Y tế xác định nồng độ, hàm lượng dioxin, chất độc đủ như thế nào để xác định bệnh tật. Cho nên đấy là những căn cứ khoa học rất là khó. Bộ Tư pháp và các bộ khác Bộ Tài chính đều nói rằng như vậy thì Bộ Y tế chỉ có xác định được danh mục liên quan đến bệnh tật mà không thể xác định được chính xác.
Tuy nhiên, với quyết tâm cao chúng tôi lại thành lập một hội đồng nữa để xác định bệnh tật liên quan trực tiếp. Nhiều lần họp đều không thành. Tuy nhiên, sau đó thì Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và Nghị định 31 phân công và hiện nay như Bộ trưởng Bộ lao động thương binh và xã hội đã trả lời thì thông tư liên tịch chúng tôi cũng xây dựng đã ban hành tuần trước để đáp ứng yêu cầu của người dân và chúng tôi cũng mong muốn rằng những cái này sớm đi vào hiện thực.
Tuy nhiên, khó khăn thế này khi chúng tôi ban hành thì một số bộ, ngành kêu tại sao Bộ Y tế "ban hành nhiều bệnh tật" như vậy. Bệnh tật này chúng tôi dựa vào 14 bệnh tật của Mỹ ban hành và 3 bệnh tật của các đề tài cấp nhà nước và cấp bộ trên người Việt Nam để có tính chất thuyết phục vừa đấu tranh quốc tế vừa thực tiễn của Việt Nam. Và chúng tôi cũng mong muốn rằng những cái này đi vào hiện thực để sớm giúp được những nạn nhân kể cả người dân.
Trong tiêu chí chúng tôi muốn cả người tham gia kháng chiến, vợ con của họ, thậm chí thế hệ cháu của họ, kể cả những người dân bình thường sống trong vùng đó. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều những tranh luận tại sao Bộ Y tế đưa ra nhiều bệnh như vậy. Chúng tôi lại họp lại hội đồng đó sau 5 năm vẫn khẳng định chỉ có 17 bệnh đó, không thêm, không bớt nữa và các tiêu chuẩn khác đã được bổ sung trong thông tư ban hành trong tuần qua. Như vậy, hy vọng thông tư cùng với Bộ Lao động thương binh sẽ đi vào cuộc sống, giải quyết những khó khăn cho người tham gia kháng chiến trước mắt và sau này cho cả người dân.
Vấn đề liên quan đến y đức của ngành y tế trong thời gian vừa qua, đặc biệt nhất là vụ thẩm mỹ viện Cát Tường. Dù là các nguyên nhân ở nguyên nhân trực tiếp hay nguyên nhân gián tiếp, khách quan hay chủ quan thì Bộ Y tế và người đứng đầu Bộ Y tế đều liên quan ít nhiều đến trách nhiệm.
Về đạo đức nghề nghiệp thì lĩnh vực nào cũng cần phải có và đạo đức ngành y không thể hình thành trong 6 năm đào tạo và hành nghề mà nó qua từ lúc lọt lòng của người mẹ chào đời cho đến lúc xuống nằm hẳn ở thế giới bên kia thì đều phải có sự giáo dục của gia đình, của xã hội và sự rèn luyện nhân cách của chính bản thân người đó.
Vụ Cát Tường là điển hình, không chỉ đạo đức ngành y mà là mất nhân tính con người và gây ra nỗi đau đớn, bức xúc không chỉ cho nạn nhân mà là đau đớn nhất của cả ngành y, tất cả cán bộ ngành y của chúng tôi đều cảm giác không thể tin đó là sự thật.
Về nguyên nhân xuống cấp đạo đức có rất nhiều nguyên nhân, chúng tôi chỉ nêu nguyên nhân chính: Thứ nhất, bản thân con người đó không rèn luyện chính mình, từ xã hội, gia đình và trong quá trình đào tạo. Thứ hai là một cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta có những mặt tích cực, tuy nhiên cũng có tác động tiêu cực, đó là lợi nhuận, đó là mong muốn kiếm được nhiều tiền, bất chấp và vượt quá khả năng cho phép của mình về nghề nghiệp cũng như trách nhiệm.
Thứ ba, nếu trong công lập vì quá tải bệnh viện nên thái độ, đạo đức không đáp ứng được cả vấn đề về thái độ lẫn trách nhiệm. Thứ tư, vì quảng cáo, người dân tin vào quảng cáo và tự đi đến những nơi không có cơ sở vật chất đầy đủ để làm dịch vụ y tế. Một số nguyên nhân khác chúng tôi không phân tích sâu.
Về giải pháp sắp tới, chúng tôi nghĩ đây là một lời cảnh tỉnh cho toàn bộ hệ thống ngành y tế của chúng tôi để có thể vượt qua mọi khó khăn và quyết tâm sửa chữa. Về văn bản quy phạm pháp luật tất cả những văn bản luật, nghị định, thông tư của bộ ban hành về hành nghề tư nhân cũng như công lập đã được rõ và quy định những điều kiện nào thì hành nghề. Như thành phố Hà Nội còn ban hành Chỉ thị số 10 để giao cấp quản lý cho chính quyền cấp quận và cấp huyện, đặc biệt Hà Nội còn thành lập tổ liên ngành về xã hội để quản lý trên địa bàn các hoạt động về y tế tư nhân cũng như mở ngoài giờ.
Ngoài ra chúng tôi đã ban hành Thông tư rút giấy phép và đình chỉ hoạt động của các cơ sở hành nghề công lập và ngoài công lập. Chúng tôi đang biên soạn Thông tư về đạo đức ứng xử nghề nghiệp, cái này cũng rất nhạy cảm. Nhiều cán bộ y tế nói với chúng tôi là tại sao ngành khác không có mà ngành này các đồng chí lãnh đạo lại xây dựng là ai cũng phải có đạo đức.
Chúng tôi nói là ngành y đụng chạm đến sức khỏe và tính mạng của người dân, sai sót của người kỹ sư chỉ hỏng cái máy vi tính, chúng ta mà sai sót là ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân, sự tai biến của y khoa đó rình rập không phải là hàng tháng, hàng ngày, hàng giờ mà cả hàng phút, không phải ở nước chúng ta mà kể cả các nước đã phát triển.
Ngay như Mỹ tỷ lệ tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống cũng là 7/100.000 nhân lên với dân số thì cũng là 1 ngày có mấy bà mẹ và trẻ em tử vong. Người thầy thuốc ngoài trách nhiệm chuyên môn còn có trách nhiệm lương tâm cho nên hết sức căng thẳng, trách nhiệm cao, đòi hòi học suốt đời, vì thế chúng tôi vẫn quyết tâm ban hành thông tư này.
Thứ ba, hiện nay chúng tôi đang thành lập đường dây nóng ở 3 cấp, Bộ Y tế, Sở y tế, bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện. Ngày hôm qua chúng tôi đã triển khai sớm ban hành chỉ thị này để người dân phát hiện có thể phản ánh trực tiếp trong đường dây nóng. Trong thời gian qua chúng tôi nhận hơn 1.000 cuộc gọi điện thoại trực tiếp.
Thứ nhất là thái độ, 50% phản ánh của người dân là thái độ không tốt của cán bộ y tế, việc này chúng tôi sẽ chấn chỉnh bằng các biện pháp hành chính, thi đua và tài chính, xử phạt theo Luật công chức và viên chức.
Thứ hai là những tắc trách, giải quyết không kịp thời về chuyên môn ở từng bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh, không giải quyết được thì đường dây nóng đến Sở y tế và không giải quyết nữa thì đường dây nóng lên Bộ Y tế.
Thứ ba, chúng tôi đã tổ chức 11 lớp về quy tắc ứng xử đạo đức cho khoảng 6.000 cán bộ, công nhân viên từ điều dưỡng bệnh viện huyện hiện nay, chúng tôi đã hoàn thành tập huấn cho 6.000 cán bộ gắn với cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sắp tới chúng tôi sẽ đưa vào kỷ luật, nếu bệnh viện nào xảy ra chuyện đó thì tất cả các danh hiệu thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú và các phần thưởng của nhà nước sẽ bị đình hoãn lại. Theo phân công trách nhiệm là từ bộ trưởng, giám đốc sở, giám đốc bệnh viện, trưởng khoa, kể cả chính quyền địa phương theo phân cấp để có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị.
Chúng tôi nghĩ đạo đức nghề nghiệp là một vấn đề rất lớn, đặc biệt là ngành y, chúng tôi cảm nhận sâu sắc vấn đề này, cũng mong các đại biểu Quốc hội và xã hội cùng giám sát, giúp đỡ chúng tôi, cũng không thể một sớm, một chiều trong nền kinh tế thị trường như hiện nay.
Chúng tôi thấy rằng những góp ý vừa rồi của các đại biểu rất thẳng thắn, chân thành, đây là một lần ngành y tế xốc lại đạo đức nghề nghiệp. Chúng tôi cũng mong muốn đường dây nóng này được các đại biểu Quốc hội thường xuyên kiểm tra, phát hiện để chúng tôi xử lý kịp thời. Chúng tôi hy vọng đại biểu và nhân dân nhìn một cách khoan dung và toàn diện, một năm ngành y tế khám, chữa bệnh cho 121 triệu lượt người khám bệnh cho bảo hiểm y tế chưa có dịch vụ và khoảng 400 ngàn không kể ngoài công lập cán bộ y tế ở từ xã cho đến trung ương cho nên với số lượng lớn như thế chắc chắn cũng có những tỷ lệ nhất định, những tai biến và cũng có những cán bộ y tế con sâu làm rầu nồi canh không đảm bảo đạo đức nghề nghiệp cũng như trình độ chuyên môn.
Tới đây chúng tôi cũng sẽ có những đột phá về đào tạo chuyên môn, về chuyển giao công nghệ tích cực cho tuyến dưới và cũng được phép của Bộ Chính trị và Ban cán sự Đảng Chính phủ thì Bộ Y tế đang trình 2 đề án tăng cường y tế cơ sở và tăng cường chất lượng khám chữa bệnh và nâng cao chất lượng của tuyến trên, tuyến cuối trung ương để giảm tải cho tuyến dưới và các đề án chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới để giúp chất lượng tuyến dưới tốt hơn và đặc biệt song song đó là chúng ta sẽ quyết tâm các đề án nâng cao đạo đức nghề nghiệp.
Nguyễn Hữu Vinh