Ông Đoàn Văn Chương (phường Kênh Dương, quận Lê Chân, Hải Phòng) nhận định, Quốc hội đã đồng hành cùng Chính phủ, vượt lên trên khó khăn chung, bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam vẫn ở gam màu sáng là chủ đạo với việc tiếp tục duy trì ổn định và đạt được một số kết quả tích cực. Đặc biệt, trong năm 2021 dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nước ta và ảnh hưởng nặng nề nhất tại các tỉnh phía Nam và TP Hồ Chí Minh, gây tổn thất to lớn cả về tính mạng và tài sản của Nhà nước, người dân. Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung rất cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều biện pháp, giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cao nhất của đất nước trực tiếp đi vào vùng dịch để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy sự quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, sớm ổn định và kiểm soát tình hình để khôi phục phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Công tác ngoại giao vaccine cũng đạt được kết quả đặc biệt quan trọng, nhằm sớm đưa đất nước ổn định trước dịch bệnh.
Để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, ông Đoàn Văn Chương đề nghị Quốc hội có những quyết sách phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch, đặc biệt là các chính sách đối với doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Đồng thời, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt là những người nghèo, người yếu thế trong xã hội.
Trong nhiều nội dung quan trọng tại Kỳ họp, Trưởng phòng Phòng Kinh tế quận Hồng Bàng Trần Thu Hồng quan tâm tới Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2020 với tầm nhìn 10 năm, theo đó Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới với mục tiêu đặt ra là: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử; nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh và đổi mới sáng tạo để mọi người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí.
Thực hiện mục tiêu chung của quốc gia, Hải Phòng đã và đang tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn thành phố; góp phần nâng cao hiệu quả, giảm bớt giấy tờ, thời gian, nâng cao trách nhiệm trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị; đồng thời, phục vụ tốt hơn các yêu cầu, giải quyết công việc, thủ tục hành chính của tổ chức, doanh nghiệp và công dân.
Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số đảm bảo các yêu cầu mục tiêu đã đề ra, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ có lộ trình triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia; cần chuẩn hóa tiêu chuẩn về công nghệ để đảm bảo tính kết nối liên thông 4 cấp và ngang cấp hoặc thực hiện thí điểm hiệu quả rồi nhân rộng tránh trường hợp mạnh đơn vị nào đơn vị nấy làm rồi không thể kết nối liên thông được với nhau gây lãng phí.
Cùng với đó, cần có sự chỉ đạo thống nhất về cơ chế chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh để các tổ chức, doanh nghiệp mỗi lần đi thực hiện thủ tục hành chính công lại phải một lần cung cấp rất nhiều các giấy tờ cá nhân liên quan để đối chiếu, xác minh như hiện nay; ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển hạ tầng số, nền tảng số và kiến tạo thể chế trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.