Bộ Công an đã chính thức đưa vào vận hành hai hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư và căn cước công dân; đồng thời đã và đang triển khai kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu của các bộ ngành và xây dựng các ứng dụng, tiện ích phục vụ quản lý điều hành và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đây là sự kiện quan trọng, góp phần khẳng định những nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số
Tính tới thời điểm này, việc triển khai thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử và hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư có thể xem là cuộc chuyển đổi số về thông tin, dữ liệu cá nhân quy mô nhất tại Việt Nam từ trước tới nay.
Hai dự án này cũng là triển khai các chủ trương, chính sách Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế số, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, xã hội số. Các văn bản quan trọng như Nghị quyết số 52- NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 6/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030, đều xác định danh tính số, định danh và xác thực điện tử là yếu tố nền tảng cho chuyển đổi số.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đều liên quan đến vấn đề dữ liệu. Trong đó, dữ liệu dân cư là dữ liệu gốc, nền tảng để triển khai với các hệ thống dữ liệu quốc gia khác như về Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Thống kê tổng hợp Dân số; Tài chính và Bảo hiểm...
Hai dự án về dữ liệu dân cư và căn cước công dân được xác định là “hai mũi giáp công” dữ liệu số có tính đồng bộ cao, thuận lợi không chỉ cho công tác quản lý dân cư mà còn thuận tiện cho người dân sau này khi đi giải quyết các thủ tục hành chính. Khi đó, người dân sẽ không cần phải mang theo các loại giấy tờ rườm rà như hiện nay mà chỉ cần trình thẻ căn cước công dân gắn chíp để tra cứu thông tin và hoàn tất thủ tục.
"Việc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chính thức đi vào hoạt động là điểm nhấn quan trọng, là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực. Đây là sự kiện quan trọng, góp phần khẳng định những nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Những kết quả đạt được từ hai dự án có ý nghĩa quan trọng, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại; quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, các cấp" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh khi dự Lễ vận hành hai hệ thống này. Người đứng đầu Chính phủ nhắc tới sự vào cuộc, hưởng ứng của người dân cho thấy hai dự án này rất hợp lòng dân, “nhiều người dân xếp hàng, thức đêm để làm căn cước công dân”.
Mở rộng tích hợp, kết nối
Việc hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu của một quá trình chuyển đổi mang tính đột phá ở nước ta, còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện quá trình chuyển đổi này.
Bộ Công an đã và đang khẩn trương kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính; phát triển các ứng dụng tích hợp trong chíp điện tử trên thẻ căn cước công dân để quản lý ngành, lĩnh vực.
Như đối với lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, trong thời gian qua, Bộ Công an và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có sự phối hợp hết sức chặt chẽ, thống nhất với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, tích cực. Ngoài việc kết nối, xác thực dữ liệu của hai ngành đồng bộ, các dịch vụ để sẵn sàng chia sẻ với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức rà soát, giảm các thủ tục hành chính và cải cách thủ tục đối với người dân khi đến giao dịch với các cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
“Tiến tới số thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội có thể đồng bộ với số căn cước công dân gắn chíp mà Bộ Công an đang triển khai và người dân khi đi khám bệnh chỉ có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc sử dụng thẻ điện tử của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam” - ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết.
Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cũng đã phối hợp triển khai thành công một số dự án quan trọng như: nhập dữ liệu dân cư, chuyển phát căn cước công dân gắn chíp. Trên cơ sở kết quả hợp tác này, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân thuộc Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã ký thỏa thuận đẩy mạnh hợp tác trong việc triển khai một số dịch vụ như: Định danh, xác thực điện tử; thu thập dữ liệu và xác minh thông tin công dân; tạo lập và quản lý các thông tin quanh định danh số cho công dân; khai thác cơ sở dữ liệu địa chỉ số phục vụ quản lý dân cư; khai thác bản đồ số phục vụ các nghiệp vụ định danh, xác thực điện tử gắn với địa chỉ số và bản đồ số; tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4...
Thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân sẽ được triển khai trên một số nội dung. Qua đó, các khách hàng sử dụng điện khi làm các thủ tục về dịch vụ điện sẽ được kiểm tra và tự động chứng thực điện tử các Thẻ căn cước công dân.
Hiện tại, BIDV là một trong những ngân hàng tiên phong trong nghiên cứu triển khai thành công ứng dụng căn cước điện tử trên các giao dịch tại khu vực tự phục vụ của BIDV như ATM, Ezone. Thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng xác thực bằng căn cước công dân trên Smartbanking để hoàn thiện, khép kín hành trình trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng căn cước công dân điện tử giao dịch tại ngân hàng. Căn cước công dân gắn chíp tích hợp thông tin khách hàng giúp đẩy nhanh quá trình xác thực khách hàng, giảm thời gian tác nghiệp của cán bộ, loại bỏ các rủi ro giả mạo, sai sót trong quá trình tác nghiệp so với kiểm tra đối chiếu Chứng minh thư thông thường trước đây và mang lại cho khách hàng trải nghiệm nhanh chóng, an toàn, thuận tiện khi giao dịch ngân hàng.
Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục tổ chức kết nối với cơ sở dữ liệu về thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế,... để tích hợp thông tin vào thẻ căn cước công dân gắn chíp và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là những bước tiến quan trọng, hướng tới kỳ vọng về đổi mới quản trị quốc gia, chuyển đổi số sẽ thực sự tạo ra được sự bứt phá cho đất nước ta trong thời gian tới.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ định hướng trong giai đoạn 2021-2030 là “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”.
Đồng thời, Văn kiện nêu một trong các đột phá chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ là “chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”. Do đó, phát huy những hiệu quả của hai dự án về Căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là nền tảng quan trọng trong việc hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và phục vụ nhân dân.