Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cuộc tọa đàm rất có ý nghĩa, được tổ chức vào đúng Ngày Bắc Âu 23/3, nhân dịp kỷ niệm 54 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển, 52 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đan Mạch, Việt Nam - Na Uy và tròn 50 năm quan hệ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Phần Lan. Đây là hoạt động thường niên diễn ra từ năm 2018 đến nay, nằm trong khuôn khổ sáng kiến Đại sứ quán các nước Bắc Âu phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đồng tổ chức.
Khu vực Bắc Âu gồm các nước thành viên Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Iceland. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Dương Trung Ý, đây là khu vực có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, nằm trên Bán đảo Scandinavia, với sự phát triển thần kỳ về tăng trưởng kinh tế, gắn với sự phát triển hài hòa xã hội, thu nhập bình quân đầu người cùng chỉ số hạnh phúc của người dân luôn giữ vị trí cao nhất bảng xếp hạng thế giới.
Một trong những yếu tố tạo nên thành công của sự phát triển của Bắc Âu là sự kiên trì theo đuổi mô hình phát triển bền vững; tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội và hai yếu tố then chốt là tích lũy của cải xã hội trong giai đoạn phát triển thịnh vượng và một nền văn hóa đạo đức cao. Mô hình phát triển kinh tế xã hội của khối Bắc Âu nói chung đã đạt được những thành tựu to lớn, vượt bậc về tăng trưởng kinh tế, hệ thống phúc lợi xã hội tiên tiến, bảo vệ môi trường và giữ gìn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa, đã và đang có giá trị tham khảo hữu ích cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cho biết Tọa đàm sẽ tập trung vào cách khu vực Bắc Âu thực hiện những cam kết mạnh mẽ đối với môi trường và tính tuần hoàn, đang dẫn đầu trong quá trình đổi mới sáng tạo xanh, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Dương Trung Ý nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực và sự cần thiết của hợp tác quốc tế trong tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khi Việt Nam cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và xanh hơn sau COVID-19, đây thực sự là thời điểm thích hợp để lồng ghép kinh tế tuần hoàn nhằm quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên, hạn chế khí thải và chất thải, cũng như tái tạo môi trường.
“Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, trong đó có các nước Bắc Âu, về phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ giúp Việt Nam có thêm những gợi mở chính sách phù hợp với điều kiện thực tế đất nước để xây dựng nền kinh tế vững mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Dương Trung Ý cho hay.
Phát biểu tại Tọa đàm, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe nhấn mạnh, tính tuần hoàn và phát triển bền vững là trọng tâm của các quốc gia Bắc Âu. Các nước Bắc Âu mong muốn được chia sẻ những bài học và kinh nghiệm quý báu của mình để có thể chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng bền vững hơn, theo đó vừa tăng trưởng kinh tế, vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Theo Đại sứ Ann Måwe, Việt Nam có thể bắt đầu quá trình phát triển nền kinh tế tuần hoàn từ việc xử lý rác, chất thải theo hướng biến thành nguyên, nhiên liệu tái chế, tái sử dụng thay vì cách xử lý chôn lấp, đốt bỏ như hiện nay. Bên cạnh đó, cần phát huy tối đa mô hình hợp tác công tư trong xây dựng, phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Tại Tọa đàm, đại diện một số tổ chức và công ty Bắc Âu, bao gồm Resource và Elextrolux (Thụy Điển), Quỹ Đổi mới Phần Lan Sitra, Valmet (Phần Lan), SINTEF, TOMRA (Na Uy) và Gehl Architects (Đan Mạch)... đã giới thiệu và thảo luận về mô hình kinh doanh tuần hoàn cùng với các cam kết tăng cường việc tái chế, giảm thiểu chất thải và khí thải carbon trong quá trình hoạt động.
Các đại diện này cũng nhấn mạnh những nỗ lực trong việc nâng cao kỹ năng, tài chính, áp dụng công nghệ, môi trường pháp lý thuận lợi sẽ là chìa khóa để tận dụng tối đa quá trình chuyển đổi xanh và khai phóng toàn bộ tiềm năng cho tương lai của Việt Nam.