Phát biểu mở đầu nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, ngày 6/6, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án này. Quốc hội cũng thảo luận tại tổ về nội dung này. Tổng Thư ký Quốc hội đã có Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận gửi các đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra và gợi ý thảo luận của các cơ quan thẩm tra, trong đó tập trung vào các nội dung: sự phù hợp của dự án quy hoạch; kế hoạch, phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư; nhu cầu sử dụng đất; phương án giải phóng mặt bằng; tổng mức đầu tư; nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; phân kỳ tiến độ thực hiện dự án; phương án thu phí để thu hồi vốn, hoàn trả ngân sách trung ương; các cơ chế, chính sách của Chính phủ đề nghị áp dụng cho dự án.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) bày tỏ đồng tình cao với việc đầu tư ba dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc nêu trên nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua. Đồng thời, việc đầu tư các tuyến cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Cho rằng cần tách riêng việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, theo đề nghị của đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm, tổng thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng còn khá dài, thủ tục còn phức tạp, Quốc hội sớm thống nhất chủ trương tách riêng việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập trong quyết định đầu tư để giao cho các địa phương thực hiện như đã cam kết về mặt tiến độ cũng như bố trí vốn.
Đối với việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đại biểu cho biết, hiện nhiều địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý, thi công các dự án thi công lớn. Đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép chia dự án thành các dự án thành phần theo địa giới hành chính của các tỉnh, thành phố. Chính phủ cần xem xét giao cho một số địa phương làm chủ quản đầu tư dự án thành phần, thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) lưu ý, tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nên nghiên cứu phương án đầu tư hoàn thành quy mô 4 làn xe theo quy hoạch hoặc đoạn có lưu lượng xe rất thấp, trong giai đoạn 1 đầu tư hai làn xe như một số tuyến cao tốc đã làm. Đối với tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đại biểu đề nghị đầu tư hoàn chỉnh các nút giao, cắt theo hình thức khác mức để đảm bảo an toàn giao thông.
Về cách thức tổ chức quản lý, vận hành, khai thác dự án, cách thức phân chia tỷ lệ thu hồi vốn giữa ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và vốn nhà đầu tư, đại biểu Trần Văn Tiến cho biết: Đây là vấn đề phức tạp liên quan nhiều đến chất lượng công trình xây dựng và các dịch vụ. Do vậy, đề nghị cần thiết nghiên cứu cơ chế phối hợp trong quá trình đầu tư xây dựng để tránh có ý kiến kiến nghị.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) mong sớm được thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Theo đại biểu, việc sớm đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là hết sức cấp thiết, bởi đặc điểm địa hình vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, giao thông đường bộ là phương thức vận tải phù hợp nhất. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống giao thông đường bộ kết nối giữa Tây Nguyên và Nam Trung Bộ chủ yếu qua tuyến quốc lộ 19 Gia Lai - Bình Định, quốc lộ 26 Đắk Lắk - Khánh Hòa còn nhiều khó khăn, đường hẹp, đèo dốc và thường xuyên sạt lở, hư hỏng, việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa còn rất hạn chế.
Theo đại biểu Đắk Lắk, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được đầu tư sẽ rút ngắn thời gian đi từ Đắk Lắk - Khánh Hòa còn 1,5 giờ, đồng thời phát huy kết nối hiệu quả với các trục dọc Đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, đường bộ ven biển đã và đang được đầu tư kết nối, lưu thông hàng hóa giữa cảng biển quốc tế, khu kinh tế tổng hợp Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa với các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum của vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia.
Mặc dù khó khăn nhưng tỉnh Đắk Lắk đã cam kết đối ứng 50% chi phí giải phóng mặt bằng đối với các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh và bảo đảm bố trí vốn cam kết của tỉnh theo đúng tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Trong trường hợp tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tỉnh sẽ bố trí tăng tương ứng theo tỷ lệ 50% - đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho biết.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Chau Chắc (An Giang) nhấn mạnh, dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là dự án rất quan trọng, cấp thiết, có tác dụng liên kết vùng, mở rộng không gian, lan tỏa lớn, có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo trong vùng và biên giới Tây Nam, mở rộng giao lưu quốc tế. Tuyến đường này khi hoàn thành sẽ kết nối với quốc lộ 2 Campuchia đến thành phố Phnom Penh của Campuchia. Chỉ cần 80km là vào cửa ngõ các tiểu vùng sông Mekong.
Nếu cảng Trần Đề, Sóc Trăng được xây dựng, đưa vào khai thác trở thành cửa ngõ sẽ là động lực kích thích tác động phát triển kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là vùng trọng điểm về nông nghiệp, nông thôn, có đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, có đường biên giới, đường bộ, đường biển. Dự án này nếu được thông qua sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả hơn, nhanh hơn - đại biểu Chau Chắc khẳng định.