Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong 2.000 km giai đoạn này có 1.200 km đã hoàn thành và đang triển khai 800 km. Như vậy, tính đến hết nhiệm kỳ, cả nước sẽ có khoảng 4.000 km đường cao tốc. Bộ trưởng cũng thừa nhận có áp lực khá lớn nhưng khi thực hiện không lo thiếu vốn do theo Luật Đầu tư công là phải cân đối đủ vốn mới được phê duyệt đầu tư dự án.
Theo Bộ trưởng, giải phóng mặt bằng cũng là thách thức, khi dự án giao thông đi qua nhiều địa phương. Bộ trưởng bày tỏ: "Các tỉnh có dự án đường cao tốc cần phải tập trung toàn lực để thực hiện giải phóng mặt bằng để có điều kiện thi công dự án."
Về việc các tuyến cao tốc phân bổ không đồng đều, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, Trung ương nhận thấy việc bất cập trong hệ thống cao tốc và trong quá trình nghiên cứu để xây dựng quy hoạch, dù năm 2020 rất khó khăn nhưng ngành giao thông đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch, xây dựng một số phương án căn cứ vào các con đường mang tính chiến lược, đột phá.
Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đề án xây dựng 5.000 km cao tốc và đưa ra một số tiêu chí. Một trong số đó là làm sao cân đối cao tốc giữa các vùng miền, khai thác tiềm năng thế mạnh của các vùng đang phát triển tốt hiện nay và những vùng tiềm năng. Do đó, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh được quyết tâm đầu tư và gần như là theo hình thức đầu tư công để chắc chắn hoàn thành nhanh. Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống cao tốc còn yếu kém nên việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế khó khăn. Chính vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối liên vùng, liên vận quốc tế, kết nối xuống cảng nhằm mang lại đột phá lớn cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu là cứu cánh cho cả vùng Đông Nam Bộ, nếu không có cao tốc này, theo Bộ trưởng, sắp tới hàng hóa không xuống được Cái Mép - Thị Vải. Công suất của Cái Mép - Thị Vải rất lớn, kinh tế khu vực này rất tốt, nhưng Quốc lộ 51 quá tải, không đủ điều kiện để đáp ứng.
Với Tây Nguyên, dự án cao tốc Buôn Mê Thuột kết nối các tỉnh thuộc Tây Nguyên khi hoàn thành, tại Buôn Mê Thuột cũng có thể hình thành các khu cận công nghiệp vì cự ly khoảng 117 km chỉ như Hà Nội tới Hải Phòng, hoàn toàn có thể phát triển Tây Nguyên theo hướng công nghiệp.
Về kế hoạch trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay sẽ triển khai nhiều đường cao tốc như: Hà Nội - Hòa Bình, Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên, đường ven biển từ Hải Phòng - Quảng Ninh, từ Hải Phòng - Ninh Bình… và trong kế hoạch, Chính phủ đã chỉ ra một số khu vực có tiềm năng lớn, cần có đường cao tốc đột phá để thu hút các nhà đầu tư.
Về chất lượng đường cao tốc, Bộ trưởng khẳng định: Không phải dự án nào cũng chất lượng kém. Bởi hiện nay, vật tư đầu vào khi xây dựng dự án cao tốc đều kiểm tra chặt chẽ. Bộ sẽ kiểm tra chặt để đảm bảo chất lượng công trình trong thời điểm này cũng như thời gian tiếp theo.
Cùng làm rõ thêm về nội dung này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết: Tổng chiều dài đường cao tốc xây dựng giai đoạn 2021-2025 và tổng vốn đầu tư thực hiện gấp 4 lần so với giai đoạn 2015-2020. Đây là nhiệm vụ nặng nề, bởi thủ tục đầu tư rườm rà; khối lượng vật liệu xây dựng lớn với dự kiến trên 250 triệu m3. Trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo ngành giao thông tập trung cao đầu tư dứt điểm, không dàn trải. Đồng thời, rút ngắn thời gian đầu tư từ 1-2 năm đối với một dự án. Chính phủ cũng đơn giản hóa và rút ngắn về thủ tục cấp mỏ vật liệu xây dựng cho các địa phương; phân cấp cho các địa phương thực hiện dự án. Cùng đó, Chính phủ thực hiện giao ban hành tháng, Bộ Giao thông Vận tải giao ban hàng tuần để tháo gỡ vướng mắc khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.
"Chính phủ quyết tâm rất cao để hoàn thành mục tiêu có 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.