Cải cách hành chính tại TP Hồ Chí Minh - Bài 3: Hiện đại hóa nền hành chính

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan hành chính được TP Hồ Chí Minh xác định là khâu đột phá, cơ sở xây dựng chính quyền điện tử, tiến đến xây dựng và triển khai đề án đô thị thông minh.

Trên cơ sở đó, thành phố đã công bố khung kiến trúc chính quyền điện tử, xây dựng hạ tầng mạng công nghệ thông tin và tăng cường an ninh thông tin nhằm phục đem đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh dự họp tại mô hình“Phòng họp không giấy”.

Xây dựng hạ tầng mạng công nghệ thông tin

Hiện nay thành phố đã thành lập trung tâm dữ liệu trên nền tảng hạ tầng điện toán đám mây hiện đại, được đầu tư đầy đủ hệ thống và chính sách bảo vệ giám sát an ninh đồng thời đảm bảo nguồn nhân lực chuyên trách về an toàn thông tin.

Thành phố đã thực hiện 807 điểm kết nối vào hệ thống mạng băng thông rộng (MetroNet). Hệ thống liên thông văn bản điện tử của thành phố được kết nối liên thông với các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở để trao đổi văn bản điện tử qua môi trường mạng.

Thành phố triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến cho 44 đơn vị, cung cấp gần 25.000 hộp thư điện tử, giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí hoạt động. Ngoài ra, thành phố đã triển khai và kết nối liên thông văn bản điện tử tại 760 điểm với số lượng liên thông văn bản điện tử hơn 4,3 triệu văn bản, áp dụng chữ ký điện tử trong trao đổi văn bản điện tử, thư mời họp, chấm dứt tình trạng sử dụng văn bản giấy, giúp tiết kiệm kinh phí hành chính đáng kể.

Hạ tầng công nghệ thông tin tại các sở, ban ngành, quận, huyện đang từng bước đầu tư, nâng cấp hệ thống mạng nội bộ, thiết bị máy trạm, máy chủ, hệ thống an toàn thông tin. Hiện 23/23 sở ban ngành, 24/24 quận huyện, 322/322 UBND phường, xã, thị trấn đã công bố áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với TCVN ISO 9001, tất cả đều đạt 100%. Đã có 162 trụ sở UBND xã, phường, thị trấn được xây dựng mới, sửa chữa.

Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng được thành phố hết sức quan tâm bằng việc xây dựng cổng thông tin điện tử thành phố và các trang thành viên, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, hệ thống một cửa điện tử.

Thành phố đã thiết lập hệ thống đường dây nóng phản ánh kiến nghị sự cố hạ tầng kỹ thuật qua tổng đài 102, tổng đài 113, 114, 115, xây dựng hệ thống công bố thông tin các doanh nghiệp nhà nước thành phố, triển khai hệ thống một cửa điện tử quản lý hồ sơ đất đai…

Trong 6 tháng đầu năm 2019, TP Hồ Chí Minh đã chủ động tích hợp hệ thống tiếp nhận, trả kết quả lên cổng dịch vụ công trực tuyến với gần 1,5 triệu hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích. Số lượng thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngày càng mở rộng, được người dân, doanh nghiệp quan tâm thực hiện.

Tính từ năm 2016 đến nay nay tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 được cung cấp là 1.140 dịch vụ (trong đó sở, ban ngành là 284 dịch vụ, quận, huyện là 856 dịch vụ); mức độ 4 có 375 dịch vụ (trong đó sở, ban ngành là 187, quận huyện là 188 dịch vụ). Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt hiện nay đạt trung bình 98-99%.

Mô hình “phòng họp không giấy”

Ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ đem lại sự minh bạch, công khai, chính xác, tiện lợi, xử lý nhanh công việc mà còn chuyển phương thức làm việc từ văn bản giấy tốn kém, tốn thời gian sang văn bản điện tử.

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin theo quy trình kết nối liên thông đã mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của thành phố và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc mở rộng lĩnh vực áp dụng hệ thống quản lý ISO điện tử đã cải tiến lề lối làm việc, giúp lãnh đạo cơ quan đơn vị kiểm soát được quy trình chất lượng, thời gian giải quyết công việc.

Vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh triển khai mô hình “Phòng họp không giấy” và ứng dụng “Giao việc tức thời - nhắc việc thông minh”, mặc dù đang trong giai đoạn “sơ khai”, thử nghiệm nhưng hứa hẹn sẽ “chuyển mình mạnh mẽ” trong cải cách hành chính.

Mô hình “Phòng họp không giấy” và  ứng dụng “Giao việc tức thời - nhắc việc thông minh” được Tập đoàn VNPT xây dựng riêng cho UBND TP Hồ Chí Minh, tăng cường tương tác và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của UBND từ cấp thành phố tới cấp huyện, xã, thị trấn.

Theo đó, trước mỗi phiên họp, nội dung chương trình, các tài liệu số của cuộc họp được chuẩn bị, xem xét, phê duyệt và tức thời chuyển đến các đại biểu để nghiên cứu trước. Các câu hỏi ý kiến của đại biểu sẽ được tổng hợp để thảo luận trong cuộc họp và chuẩn bị dự thảo kết luận.

Trong mỗi phiên họp, đại biểu có thể truy cập kho tài liệu số phong phú chuẩn bị trước phiên họp kết hợp với các công cụ tiện lợi như ghi chú, đánh dấu trực tiếp trên tài liệu giúp việc tra cứu được chính xác và nhanh chóng.

Với ứng dụng này, lãnh đạo các cấp sẽ có thêm một thư ký ảo giúp thống kê, phân loại, lên lịch công việc và nhắc việc tự động một cách chính xác nhất. Với cấp nhân viên, hệ thống cũng trả về và sắp xếp lịch công việc một cách hiệu quả, nhắc nhở công việc đến hạn, giúp gia tăng năng suất lao động.

Thành phố đã thiết lập 300 tài khoản người dùng và tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng cho các chức danh Thường trực UBND thành phố, lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố, Thư ký Thường trực UBND thành phố, Ủy viên UBND thành phố…

Thiết lập và duy trì tổ chức 19 cuộc họp không giấy. Thành phố đang khắc phục một số nội dung theo hướng dẫn của Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục An ninh quân đội để hoàn tất các thủ tục đánh giá an toàn thông tin hệ thống.
 
Trong khi đó với ứng dụng “Giao việc tức thời - nhắc việc thông minh”, thành phố đã tạo 95 tài khoản và cài đặt ứng dụng cho lãnh đạo UBND thành phố, Văn phòng UBND thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND quận huyện. Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, “Phòng họp không giấy” và  ứng dụng “Giao việc tức thời - nhắc việc thông minh” là giải pháp thiết thực, hữu hiệu phục vụ công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo thành phố cũng như các sở ngành quận huyện. Sau khi đưa vào sử dụng, thành phố sẽ chuyển phương thức làm việc từ văn bản giấy sang văn bản điện tử, rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng các cuộc họp theo lộ trình từ “ít giấy” tiến tới “không giấy”.

Đánh giá về mô hình này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đây là giải pháp cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Văn phòng UBND thành phố cũng như các sở, ngành, quận, huyện có nhiều hồ sơ giải quyết, dẫn tới tình trạng trễ, chậm.  Thời gian tới cần phải số hóa văn bản hành chính và trở thành giải pháp cho cả thành phố. Đến cuối tháng 9/2019, thành phố phải tổ chức hội nghị triển khai mô hình này tới các sở, ngành, quận, huyện.
 
Bài 4: Tinh giản bộ máy hành chính

Bài và ảnh: Trần Xuân Tình (TTXVN)
Cải cách hành chính tại TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công việc
Cải cách hành chính tại TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công việc

Nền hành chính tinh gọn, hiệu quả sẽ tạo ra môi trường phục vụ, đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Đây vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm đang được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN